Trong 10 năm qua các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã hình thành và đang trên đà phát triển. Ban Quản lý các KCN đã có những đề xuất tham mưu để UBND tỉnh quyết định những cơ chế hợp lý tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cần nhìn nhận và đánh giá cụ thể những vấn đề còn khó khăn để tìm ra những giải pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ, bền vững trong Vùng kinh tế trọng điểm và sớm hội nhập nền kinh tế các nước trong khu vực, kinh tế quốc tế. Qua theo dõi 10 năm hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tham gia đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển các KCN một cách hiệu quả hơn trong những năm tới:

Vấn đề ô nhiễm môi trường

Đây là vấn đề lớn đang diễn ra trong hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh. Thực tế phần lớn các KCN được bố trí dọc sông Thị Vải và dọc quốc lộ 51, hiện nay mức độ ô nhiễm môi trường tại sông Thị Vải đang ở mức báo động. Việc ô nhiễm môi trường nêu trên nguyên nhân chủ yếu là do các DN sản xuất công nghiệp trong các KCN gây ra. Hiện trong 8 KCN của Tỉnh BRVT mới chỉ có 1 KCN đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải với công suất nhỏ 1.500m3/ngày. Ngoài ra chất thải rắn và khí thải độc hại của các KCN này cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nếu tiến độ đầu tư của các dự án ngày càng gia tăng vào các KCN sẽ phát sinh những yếu tố môi trường làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống.

Để giải quyết tình hình này, trước mắt cần nhanh chóng đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các KCN còn thiếu từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ, quỹ môi trường… đồng thời tổ chức kiểm tra định kỳ đánh giá tác động môi trường tại các KCN để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với các KCN thành lập mới, ngay từ công tác lập quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải, khí thải hợp lý nhằm đảm bảo năng lực hoạt động theo từng thời kỳ phát triển của KCN.

Vấn đề nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề

Tình trạng chung hiện nay đang rất thiếu nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề tại hầu hết các KCN trên cả nước kể cả các KCN trong tỉnh BR-VT.

Để giải quyết tình trạng này việc đào tạo và cung cấp lao động, trước hết phải căn cứ vào định hướng phát triển các ngành trên các vùng và trong các khu công nghiệp để có phương án bố trí hợp lý và đáp ứng được yêu cầu. Cần dự báo nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để chủ động tổ chức các khóa đào tạo lao động đáp ứng cho các doanh nghiệp.
Cần hình thành Quỹ đào tạo nghề chung cho công tác đào tạo lao động cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nhằm giảm bớt chi phí đào tạo cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần hỗ trợ vào kinh phí đào tạo nghề ở địa phương. Quỹ đào tạo nghề có thể được huy động từ nhiều nguồn, trong đó chú trọng sự đóng góp của các doanh nghiệp - những đơn vị được hưởng lợi từ chương trình này.

Thành lập các cơ sở đào tạo nghề tại những nơi dự kiến phát triển khu công nghiệp để trực tiếp đào tạo nghề cho những lao động nông nghiệp và con em những người dân có đất được chuyển đổi sang làm khu công nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khu công nghiệp về nâng cao chất lượng lao động. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương và đào tạo tay nghề kỹ thuật cho những lao động này; ưu tiên tuyển dụng đối với những lao động nằm trong diện thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp, đảm bảo thu nhập ổn định và cao hơn so với trước đây để người dân tin tưởng hơn vào các chính sách phát triển khu công nghiệp tại địa phương.

Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp và nhà ở cho công nhân

Ở BR-VT vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và nhà ở cho công nhân tại các KCN chưa phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên với tốc độ phát triển nhanh về kinh tế-xã hội, cần phải có những giải pháp căn cơ lâu dài cho vấn đề trên. Cụ thể khi xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp cần có kế hoạch triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội bên ngoài hàng rào khu công nghiệp một cách đồng bộ so với bên trong khu công nghiệp. Cần phải tính toán đầy đủ và có dự phòng những phát sinh khi xây dựng khu công nghiệp như: nhà ở cho người lao động, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, tái định cư, các dịch vụ công cộng như trường học, bệnh xá, khu vui chơi giải trí... từ đó có phương hướng xử lý kịp thời, đảm bảo môi trường đầu tư bên trong và bên ngoài khu công nghiệp. Việc xây dựng khu công nghiệp gắn chặt với phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp phải là tiêu chí bắt buộc khi phê duyệt các dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Vấn đề xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế

Theo đánh giá tổng quan có so sánh với 03 tỉnh, thành phố có công nghiệp phát triển vùng Đông nam bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương) thì thu hút vốn đầu tư của các dự án FDI vào các KCN tỉnh BR-VT là 2,2 tỷ còn thấp hơn so với Đồng Nai (6,3 tỷ), Bình Dương (5,3 tỷ), TP.HCM... vì vậy cần chú trọng công tác xúc tiến đầu tư hơn nữa. Cụ thể, cần đổi mới về nội dung và phương pháp vận động, xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực, địa bàn và đối tác cụ thể, chú trọng thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp vừa, nhỏ.

Xây dựng Quỹ xúc tiến đầu tư trên cơ sở kết hợp với huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp. Giải quyết, xử lý và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp đang xây dựng hoặc đang sản xuất kinh doanh. Thực hiện chủ động công tác vận động, xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các sở, ngành và chính quyền địa phương. Tỉnh cần dành kinh phí thoả đáng từ ngân sách nhà nước cho công tác vận động xúc tiến đầu tư công nghiệp; tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch chi tiết, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và các chính sách khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp để các nhà đầu tư và người dân được biết; cung cấp miễn phí các thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có công thu hút các nhà đầu tư vào trong khu công nghiệp.

Tăng cường bộ phận đại diện xúc tiến đầu tư công nghiệp của tỉnh ở một số nước mạnh về thị trường đầu tư nước ngoài và địa bàn trọng điểm để chủ động vận động, xúc tiến đầu tư đối với từng dự án, từng tập đoàn, từng nhà đầu tư có tiềm năng, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.

Những lợi thế phát triển công nghiệp chưa được phát huy

Tỉnh BR-VT có thuận lợi về vị trí địa lý lại nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm vùng Đông nam bộ, có thế mạnh về nguồn lực tại chỗ như hệ thống cảng biển, khí đốt, điện năng, vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản, khai thác vật liệu xây dựng… Tuy nhiên việc sử dụng nguồn lực này trong phát triển công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Để phát huy thế mạnh này cần phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến quảng bá kêu gọi đầu tư và kết hợp kiến nghị lên các Bộ ngành, Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương như vấn đề sử dụng khí đốt cho sản xuất công nghiệp, về tiến độ xây dựng hệ thống cảng biển, đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu….

Cần gắn kết sự phát triển các KCN và Cụm CN-TTCN tại địa phương

Theo chủ trương của UBND tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các KCN có vốn lớn, công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường nhằm tránh cơ cấu lại ngành công nghiệp tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên cần có một tiêu chí cụ thể cho chủ trương nêu trên. Khi một số dự án có vốn lớn đầu tư vào các KCN (như DA khí điện đạm, nhà máy điện, nhà máy cán thép…) sẽ thu hút một loạt các dự án vệ tinh là công nghệ phụ trợ phát triển theo. Như vậy bài toán đặt ra là những dự án đầu tư có vốn nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường nếu không cấp phép vào KCN sẽ có kênh đầu tư khác là các Cụm Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch đến 2010 là 30 cụm CN-TTCN (riêng địa bàn huyện Tân Thành có 10 cụm).

Ngày 19/8/2009, Chính phủ đã ban hành quy chế quản lý các Cụm CN-TTCN tại Quyết định số 105/QĐ-CP. Như vậy sự ra đời của KCN và cụm CN-TTCN là phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó có một số cơ chế ưu đãi dành cho các nhà đầu tư vào các cụm CN-TTCN của địa phương. Nếu có sự gắn kết chặt chẽ trong hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN và cụm CN-TTCN sẽ thúc đẩy kinh tế công nghiệp phát triển mạnh góp phần đưa tỉnh BR-VT trở thành tỉnh công nghiệp vào đầu thời kỳ 2010-2015 theo nghị quyết Đại hội IVĐảng bộ tỉnh BR-VT.
 

TT. KC&TVPTC, BR-VT