Với mục tiêu tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề có lợi thế để đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động khuyến công gắn với khuyến khích phát triển các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn.

Chú trọng áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất

Năm 2017, hoạt động khuyến công Bắc Giang tập trung nhiều vào mục tiêu áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo đó, tổng kinh phí khuyến công địa phương được phê duyệt thực hiện 3 tỷ đồng, (riêng đợt 1 là 2,47 tỷ đồng) để thực hiện 24 đề án, trong đó: 9 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật. 2 đề án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu. 4 đề án tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề. 3 đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng được giao 400 triệu đồng để triển khai thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia trong năm 2017, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cát nhân tạo.

Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp

Trong những năm qua, hoạt động khuyến công Bắc Giang đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, thành phố, góp phần rất lớn trong việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Nhiều ngành nghề truyền thống đã từng bước thích nghi với sự phát triển của kinh tế thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế và có bước tăng trưởng khá như: Mây tre đan; chế biến nông sản thực phẩm; chế biến gỗ gia dụng, đồ mỹ nghệ; cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng... Đã và đang dần hình thành một số ngành nghề mới ở khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn như: Làm hoa voan, đan nhựa giả mây, chẻ tăm lụa, sản xuất nấm, làm hương xuất khẩu… Tuy nhiên, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh đa phần vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh; năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao…

Nhằm khuyến khích phát triển các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở khu vực nông thôn, hoạt động khuyến công ở Bắc Giang đang tập trung vào đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tích cực hỗ trợ các ngành nghề, làng nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương. Từng bước xã hội hoá hoạt động khuyến công, thực hiện lồng ghép các đề án khuyến công với các dự án, chương trình mục tiêu khác để thu hút nguồn vốn đầu tư. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, ứng dụng máy móc thiết bị, tiến bộ khoa học kỹ thuật… vào sản xuất gắn với tư vấn trợ giúp thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành nghề; phối hợp trong tổ chức liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Qua đó hình thành các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở khu vực nông thôn

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 39 làng nghề được UBND tỉnh công nhận; 435 làng có nghề, trong đó có 14 làng nghề truyền thống, ngoài ra còn có gần 14,3 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề như chế biến nông, lâm sản; sản xuất cơ khí; vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, làm giấy dó… thu hút đáng kể lực lượng lao động tại chỗ và lao động từ nơi khác đến.

Việc xây dựng quy hoạch cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung tạo điều kiện xây dựng làng nghề tại tỉnh, giải quyết tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mở ra hướng làm ăn mới cho người dân nông thôn. Phát triển làng nghề gắn với thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững.

Tích cực xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường

Công tác xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường được Bắc Giang đặc biệt quan tâm bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tổ chức hội nghị tiêu thụ sản phẩm cho các hàng hóa chủ lực của địa phương.Các sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu đều có thị trường tiêu thụ ổn định. Điển hình nhất là sự kiện Hợp tác xã Mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mộc Bãi Ổi”. Nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, có hiệu lực 10 năm đối với nhóm sản phẩm làm từ gỗ, bao gồm: Bàn, ghế, giường, tủ, giá, kệ, cửa, cầu thang… cho 46 thành viên của Hợp tác xã. Cùng với Mộc Bãi Ổi còn có 2 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gồm: Rau an toàn Đa Mai và bún, bánh Đa Mai. Việc bảo hộ thành công nhãn hiệu cho các sản phẩm sẽ giúp HTX thuận lợi trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân bố lại lao động từ thuần nông sang công nghiệp, giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.


Ngọc Loan