Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định điều đó, Chỉnh phủ đã Thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí với những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp;

 

Trong 10 năm qua ngành Cơ khí Việt Nam đã có những thay đổi và phát triển, từng bước hội nhập với ngành Cơ khí thế giới. Đến năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đạt 227.911 tỷ đồng, tăng 6 lần so với giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí đạt được năm 2000. Ngành Cơ khí đang trở thành một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước, năm 2013 đạt 13,18 tỷ USD. Tuy nhiên sau 10 năm, một số mục tiêu được đề ra trong Chiến lược vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mục tiêu đến năm 2010 đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước chưa hoàn thành; đến nay, ngành Cơ khí mới chỉ đáp ứng được trên 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước; hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều ở quy mô vừa và nhỏ, chưa có sự đồng bộ công nghệ. Một trong những vướng mắc trong quá trình thực hiện đó là chính sách hỗ trợ vẫn chưa thực sự có tác động thiết thực tới các doanh nghiệp trong ngành cơ khí.


Giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí năm 2103 đã lên đến 24,8 tỉ đô la, cao gấp 3 lần so với mức nhập khẩu năm 2006 là 8,7 tỉ đô la. Theo đánh giá của Hiệp hội cơ khí Việt Nam, mức nhập siêu của ngành những năm gần đây vào khoảng hơn 10 tỉ đô la/năm, đây là một con số khá cao.


Bên cạnh đó, tỉ lệ nội địa hóa trong các dự án ngành cơ khí còn khá thấp; mặc dù Chính phủ đã có các quy định chủ đầu tư phải bóc tách các dự án hợp đồng tổng thầu thành các gói nhỏ cho nhà thầu trong nước thực hiện, và ưu tiên các nhà thầu trong nước ở các dự án không bắt buộc sử dụng máy móc, thiết bị nhập khẩu.


Tuy nhiên theo Luật Đấu thầu hiện nay vẫn còn nặng về đấu giá, không tính tới nguồn gốc xuất xứ và chưa ưu tiên đúng mức tỉ lệ nội địa hóa; trong khi hầu hết các doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện đang ở quy mô vừa và nhỏ không thể cạnh tranh về giá cả với các doanh nghiệp ngoại.


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí với 53.000 cơ sở sản xuất, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp còn ở quy mô vừa và nhỏ, sản xuất còn manh mún và chưa có sự đồng bộ công nghệ.


Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã ưu đãi vay vốn với mức lãi suất tín dụng là 3%, thời hạn 12 năm, 2 năm đầu không phải trả lãi đối với các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3/11 dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý ký hợp đồng tín dụng vay vốn, với tổng hợp đồng là 374 tỷ đồng, so với tổng mức đầu tư là xấp xỉ 10.000 tỉ đồng.


Nguyên nhân là do cơ chế ưu đãi chỉ áp dụng cho các dự án lớn, quan trọng nên các dự án quy mô nhỏ và vừa khó tiếp cận. Hay đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi đánh giá thì thủ tục vay còn phức tạp, chưa linh động và lượng vốn còn khá nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp không sản xuất trong nhóm 8 sản phẩm cơ khí trọng điểm lại gần như chưa hề nhận được sự ưu đãi về vốn vay. Trong khi đó ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu, lợi nhuận thấp hơn các ngành khác.


Ông Trần Văn Lê, GĐ Công ty TNHH TM và XD Phương Linh cho biết, để đồng bộ được hết các máy trong phân xưởng hiện nay thì lượng vốn cũng lên tới hàng trăm tỉ đồng. Với lãi suất vốn vay là 7% như hiện nay, thì công ty chỉ dám dừng lại ở việc đầu tư nhỏ lẻ từng thiết bị. Những máy móc công nghệ cũ sẽ áp dụng cho các chi tiết đòi hỏi độ chính xác thấp, còn những chi tiết yêu cầu độ chính xác cao thì công ty mới buộc phải nhập công nghệ hiện đại.


Anh Lê cũng cho biết nếu được hỗ trợ vốn vay ưu đãi thì công ty sẽ thực hiện tự động hóa dây chuyền lắp ráp và mở rộng quy mô sản xuất lên gấp 3 lần để có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay.


Có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thuế đối với ngành cơ khí còn chưa hợp lí. Trong khi thiết bị (kể cả vật tư đi kèm) của các dự án đầu tư, các nhà thầu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế, thì các doanh nghiệp cơ khí trong nước nhập khẩu vật tư về chế tạo thay thiết bị nhập khẩu phải chịu đến hai loại thuế. Cụ thể, thuế nhập khẩu từ 5% - 20% và thuế giá trị gia tăng nhập khẩu 10%. Chính vì vậy khiến cho các sản phẩm cơ khí trong nước không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ những chính sách ưu đãi thuế.


Để tiếp tục đầu tư phát triển ngành Cơ khí Việt Nam ổn định, bền vững, phát huy được vai trò của ngành trong bối cảnh hội nhập và đóng góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí, đặc biệt đối với 8 chuyên ngành Cơ khí trọng điểm, ngành công nghiệp hỗ trợ; việc tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.


Lê Hùng - Cục CNĐP (ARID)