Tuy ra đời muộn hơn so với các tỉnh trong vùng, lại đúng vào lúc kinh tế khủng hoảng, suy thoái, lạm phát triền miên... nhưng bước đầu các khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận đã phát huy được lợi thế của mình, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.


Phát triển công nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bình Thuận. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhằm tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 8 KCN với tổng diện tích trên 4.000 ha. Hiện nay KCN Phan Thiết 1 đã được “lấp đầy” và chính thức đi vào hoạt động, các KCN còn lại đang trong giai đoạn hoàn thành và một số KCN đã đi vào hoạt động theo cách “cuốn chiếu”, hoàn thành tới đâu đưa vào hoạt động tới đó.

Nhìn chung, các dự án đầu tư thứ cấp trong KCN tập trung vào các ngành nghề như chế biến gỗ, phân bón, bao bì, may mặc, sắt thép, thực phẩm... Quy mô các dự án ở mức trung bình (đối với các dự án trong nước, vốn đầu tư trung bình 44 tỷ đồng/dự án, suất đầu tư trung bình là 20 tỷ đồng/ha; đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trung bình 5,3 triệu USD/dự án, suất đầu tư trung bình 3,3 triệu USD/ha).

Các KCN đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất cũng như kim ngạch xuất khẩu công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt các doanh nghiệp FDI trong các KCN cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất mới trong các ngành công nghiệp then chốt. Các KCN đã tạo việc làm ổn định cho hơn 3.500 lao động. Lực lượng lao động trong các KCN có trình độ lao động cao hơn mặt bằng chung lao động công nghiệp của tỉnh.

Ông Lê Thanh Mười - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận cho biết: Các dự án sân bay, cảng biển, đường cao tốc đã có quy hoạch, còn chờ khởi công. Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, thì không thể nôn nóng “lấp đầy” các KCN được. Nhưng cũng không thể để “quy hoạch treo” kéo dài, lãng phí. Chủ trương của tỉnh Bình Thuận là đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN hiện có.

Theo ông Lê Thanh Mười, định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là khuyến khích, khai thác tốt những sản phẩm lợi thế của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời tạo mọi điều kiện cho các sản phẩm khác cùng phát triển. Thu hút những nhà đầu tư thật sự có năng lực, dự án có công nghệ cao, bảo đảm môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến sa khoáng…; đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người vượt mức 3.200 USD/người, trong đó công nghiệp đóng góp 1.442 USD và tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP của tỉnh phấn đấu đạt trên 50%; xây dựng tỉnh trở thành đầu mối công nghiệp trọng điểm của Vùng.

Với 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, Bình Thuận hiện có lợi thế nhất định trong kêu gọi các dự án bởi khá thuận lợi về giao thông. Đặc biệt, khi Cảng nước sâu Kê Gà sớm được đầu tư hoàn thành với tổng công suất bốc dỡ khoảng 35 triệu tấn/năm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu nhanh chóng. Bên cạnh đó, các KCN còn tạo thuận lợi trong việc quản lý và thu hút các dự án đầu tư một cách tập trung, theo đúng quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị một cách đồng bộ trên địa bàn.

Qua hơn 10 năm thành lập và phát triển, các khu công nghiệp trong tỉnh đang từng bước thể hiện vai trò của mình, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm và tạo đà vững chắc cho các bước phát triển tiếp theo./.
 


Nguyễn Thanh