Đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang phát triển toàn diện cả về quy mô, tốc độ, kỹ mỹ thuật và xuất khẩu (XK). Hiện cả nước có khoảng 3.500 doanh nghệp (DN), 340 làng nghề cùng nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh đồ gỗ.

Tay nghề được nâng lên cộng với chất lượng, độ thẩm mỹ, sự sang trọng của sản phẩm nâng cao, do đó sản phẩm đồ gỗ đã trở thành mặt hàng XK chủ lực, đưa nước ta thành nước XK sản phẩm đồ gỗ đứng đầu Đông Nam Á, đứng trong 15 quốc gia hàng đầu thế giới. Trong 10 năm gần đây, XK đồ gỗ tăng bình quân 12,3% năm.  Năm 2017, XK đồ gỗ được 8 tỷ USD, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 - 2020 cũng như Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phảm gỗ 2014 - 2020.

Vận hội mới đến

Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới thì vận hội đến với XK đồ gỗ ngày một rõ. Đơn cử, EU vừa là một trong những khách hàng lớn và theo FTA EU – Việt Nam  (EV FTA) có tác động nhiều mặt với XK đồ gỗ của Việt Nam khi bước vào sân chơi đồ gỗ toàn cầu.

Theo đó, EU đứng hàng đầu thế giới về thiết bị chế biến gỗ, khi EV FTA có hiệu lực, việc giảm thuế nhập khẩu (NK) thiết bị sẽ tạo “cú hích” đối với sản xuất đồ gỗ. Liên quan đến gỗ nguyên liệu, ngoài nguồn từ EU, Việt Nam có thể NK gỗ nguyên liệu hợp chuẩn theo EV FTA từ quốc gia thứ ba để chế tác thành đồ gỗ tại nội địa khi XK sang EU là được hưởng ưu đãi từ EV FTA, góp phần giảm “cơn khát” về nguyên liệu, yên tâm về xuất xứ gỗ. 

Chuỗi ưu  đãi với đồ gỗ tương tự với các ưu đãi cho mọi hàng hóa XK vào EU như: Thuận lợi hóa hải quan và thúc đẩy thương mại; giảm thuế; được quyền tham gia và tiếp cận bình đẳng thị trường; chính sách, thể chế được cải thiện; minh bạch hóa quy trình xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mai; đổi mới doanh nghiệp; cam kết sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Cam kết tạo thuận lợi dịch chuyển nhân lực, tạo ra sự chọn lọc tự nhiên, bật ra nhân tố mới.  

Cơ hội và thách thức

Bên cạnh những cơ hội nêu trên, việc XK đồ gỗ của Việt Nam cũng gặp phải những thách thức đáng kể: Muốn chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp trong sản phẩm XK sang EU phải giải trình nguồn gốc gỗ với nhiều thủ tục, căn cứ pháp lý: Hồ sơ về nguồn gốc phải lưu giữ ít nhất 5 năm, sẵn sàng xuất trình khi bị kiểm tra… Với thực trạng của ngành gỗ hiện nay thì các yêu cầu này để đáp ứng là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hai mức thuế mà nước ta đang áp dụng với NK gỗ được xóa bỏ ngay sau khi EV FTA có hiệu lực, tạo ra hiệu ứng trái chiều. Việc xóa thuế đối với NK gỗ nguyên liệu từ EU mặc nhiên tạo thuận lợi, đồng thời có thể NK gỗ nguyên liệu hợp chuẩn từ quốc gia thứ ba. Song việc xóa thuế NK đồ gỗ từ EU sẽ tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận đồ gỗ ngoại, ngoảnh mặt với đồ nội. 

Tín hiệu khả quan

Từ đầu năm 2018 đến nay, các DN Việt Nam liên tục ký kết được những đơn hàng lớn. Nhiều DN đồ gỗ lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã có đơn hàng đến giữa năm thậm chí đến hết năm. Đã có đơn hàng từ Trung Quốc của khách hàng Châu Âu, Hoa Kỳ “chảy” sang Việt Nam.

Theo đó, để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh, mang lại hiệu quả cao cần phát triển nguồn nguyên liệu xanh, bền vững. Đẩy mạnh việc sản xuất gỗ công nghiệp; khai thác gỗ từ các cây công nghiệp dài ngày; tăng tỷ lệ dùng kim loại màu, đá, da, nhựa tổng hợp…, xen ghép vào sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, tìm nguồn nguyên liệu gỗ NK hợp pháp; hiện đại hóa công nghệ sản xuất đồ gỗ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tìm hiểu, hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý, cho các DN nắm vững những quy định, tiêu chuẩn, các định chế thương mại để giúp các DN được thuận lợi trong sản xuất, XK các sản phẩm đồ gỗ.

TBT