Các sản phẩm nghề truyền thống tại các làng nghề nước ta rất phong phú về chủng loại và mẫu mã. Rất nhiều sản phẩm nghề truyền thống có giá trị mỹ thuật, văn hóa cao. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm truyền thống phải được mở rộng tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài với yêu cầu mẫu mã phong phú, đa dạng, phù hợp với thị hiếu, tập quán của các vùng miền, của mỗi nước.


Khảo sát việc sản xuất tại các làng nghề cho thấy, phần lớn các sản phẩm vẫn được sản xuất theo hình thức, mẫu mã cổ truyền như: Sập gụ, tủ chè (nghề mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, khảm trai), đỉnh, hạc đồng (nghề đúc đồng); tranh tứ linh, tứ quý (nghề khảm trai)… Một số sản phẩm cũng đã được cải tiến, thiết kế về kiểu dáng, kích thước cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như: Sản phẩm đồ gốm, mây tre đan, sơn mài, thêu, đồ gỗ… Tuy nhiên theo đánh giá, hình thức, mẫu mã chung của các sản phẩm truyền thống tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đổi mới, chưa theo kịp với sự phát triển đa dạng của nền kinh tế thị trường.

Thiết kế mẫu mã là sự sống còn và phát triển của sản phẩm nói chung, sản phẩm làng nghề  nói riêng. Để các sản phẩm làng nghề truyền thống nâng cao giá trị, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng việc đẩy mạnh cải tiến, thiết kế mẫu mã là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, việc cải tiến, thiết kế mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống cần đáp ứng những yêu cầu sau: Mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống phải đảm bảo mỹ thuật, vừa có nét đẹp cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa vùng, miền; phải có nét văn hóa riêng biệt của từng vùng, từng địa phương, như: Sản phẩm đồng Đại Bái – Bắc Ninh, đúc đồng Huế không giống nhau được, hay sản phẩm thổ cẩm Tây Bắc không thể lẫn với thổ cẩm Tây Nguyên... Sản phẩm làng nghề truyền thống phải tận dụng được tinh hoa công nghệ truyền thống, vừa có thể áp dụng công nghệ mới tiên tiến, như: Tranh sơn mài dùng sơn tổng hợp hay sơn hạt điều tồn tại song song với tranh sơn mài truyền thống mà nguyên liệu là sơn ta với công nghệ truyền thống. Mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống phải dễ tổ chức sản xuất hàng loạt, đáp ứng được yêu cầu số lượng lớn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đồng thời phù hợp với thị hiếu, tập quán của vùng miền hoặc từng nước tiêu thụ sản phẩm.


Bên cạnh đó, việc thiết kế kích thước mẫu mã, chất lượng, giá thành sản phẩm cần phù hợp với đối tượng khách hàng. Như: Hàng lưu niệm bán cho khách du lịch cần tinh xảo, nhỏ gọn, giá cả phù hợp. Sản phẩm du lịch mà nặng nề, cồng kềnh hoặc nhỏ gọn tinh xảo mà giá quá cao sẽ không thu hút được khách mua.


Mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống có thể là sản phẩm mỹ thuật đơn thuần cũng có thể là sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống gắn liền cải tiến công nghệ gia công sản phẩm để tăng giá trị mỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm.


Thực trạng sản xuất trong các làng nghề hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại, trong đó vấn đề mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, chậm cải tiến cũng là một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất của các làng nghề chậm phát triển. Hiện nay, với đội ngũ các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng được đào tạo bài bản về nguyên tắc, quy trình thiết kế sản phẩm, đặc biệt có năng lực thẩm mỹ trong thiết kế cần được đưa vào thực tiễn trong sản xuất. Cần có những cầu nối giữa vấn đề đào tạo với kinh nghiệm và thực tiễn sản xuất, giữa trường học với các doanh nghiệp sản xuất, giữa những nhà quản lý với các nhà thiết kế và người sản xuất trực tiếp để trở thành một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh. Đẩy mạnh việc cải tiến, thiết kế mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống sẽ đóng góp một phần quan trọng vào sản xuất tại các làng nghề hiện nay.


 Minh Anh