Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á - Nam Á (Bộ Công Thương), Tại Diễn đàn Xuất khẩu 2014 về Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đã đưa ra một số vấn đề cần lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Phi và UAE.


Khi làm ăn kinh doanh với thị trường châu Phi, khâu phần thanh toán là khó khăn nhất, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam khó xuất khẩu trực tiếp sang các quốc gia này mà phải thông qua một nước thứ 3 ở châu Âu, sau đó mới xuất sang các nước châu Phi.


Tiểu vương quốc các nước Ả Rập thống nhất (UAE) là thị trường mở, tiêu dùng nội địa phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời là thị trường tái xuất lớn thứ 3 thế giới. UAE đang được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Họ nhập khẩu tất cả những mặt hàng từ thượng vàng hạ cám và sau đó tái xuất khẩu sang các nước lân cận và châu Phi. Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á - Nam Á, cũng cho biết các mặt hàng thủy sản rất hấp dẫn và nhiều triển vọng tại thị trường này. Đồng thời UAE có khả năng thanh toán cao.


UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Năm 2013, Việt Nam xuất siêu sang UAE 3,8 tỉ USD với kim ngạch xuất khẩu vượt 4 tỉ USD, đưa UAE trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia và Đức). 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang UAE đạt 3,2 tỉ USD và nhập khẩu từ UAE 310 triệu USD.


Theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á, Nam Á, hàng xuất khẩu sang UAE có trên 60 nhóm mặt hàng. Trong đó, có 15 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD trong năm 2013. Một số hàng hóa của Việt Nam như điện thoại, thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản thực phẩm, thực phẩm gia dụng đã tạo dựng tại chỗ đứng tại thị trường UAE với sức cạnh tranh ngày càng được nâng cao so với hàng Trung Quốc, Malaysia…


Việc thâm nhập vào thị trường UAE có rất nhiều thuận lợi do UAE khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đến mở văn phòng đại diện và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có trực tiếp trao đổi hàng hóa thông qua việc thường xuyên mở các hoạt động giao thương. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tránh những điều cấm kị của người đạo Hồi để tránh gây phản cảm cho đối tác như: sử dụng đồ uống có cồn, thịt heo, hỏi về gia đình; nam giới không bắt tay hay tiếp xúc với phụ nữ… Ngoài ra, lương thực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải có giấy chứng nhận Halal. Đặc biệt gần đây, UAE yêu cầu các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường này phải có giấy chứng nhận không nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc protein từ động vật.


Người tiêu dùng UAE ngày càng chú trọng tới chất lượng, dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ bảo dưỡng, giá cả cạnh tranh. Các thương nhân UAE coi trọng quan hệ cá nhân và thích trao đổi trực tiếp. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên sử dụng ngôn ngữ Ả Rập khi đóng gói bao bì sản phẩm và tránh in những hình ảnh nhạy cảm trên bao bì….


UAE là nền kinh tế thị trường tự do về lao động và hàng hóa. Chính sách thương mại tự do gồm thuế quan thấp, các tiêu chuẩn không hạn chế... Công nghiệp của UAE phát triển chủ yếu tập trung vào các ngành xây dựng, nông nghiệp và dệt may bên cạnh những lĩnh vực thế mạnh của UAE là dịch vụ, tài chính và du lịch.


UAE là một quốc gia năng động nhất trong hoạt động thương mại, đang tiến dần đến vị trí hàng đầu về diễn đàn khu vực thương mại, vận tải, dịch vụ cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Mục tiêu phát triển của UAE là thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế bao gồm khu vực tự do để trở thành kho ngoại quan của khu vực, nơi mà tất cả các loại hàng hóa sẽ được nhập khẩu, lưu kho và tái xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực Trung Đông.


Nhờ có số lượng lớn các khu vực tự do hiện hữu, cơ sở hạ tầng phù hợp, cơ quan chính quyền hữu hiệu, các dịch vụ chất lượng cao, và mức thuế thấp mà người ta có thể tìm thấy ở UAE bất kỳ thứ gì họ muốn với số lượng ít hay nhiều và chất lượng thấp đến cao nhất.


80% hàng nhập khẩu vào UAE đều được tái xuất sang những nước khác và những công ty tại UAE có thể đảm nhiệm các hoạt động ở hầu hết các thị trường của khu vực Trung Đông. Hầu hết những ngân hàng lớn nhất thế giới đều có mặt tại quốc gia này.


Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần cảnh giác với những thương vụ quá hấp dẫn, trước khi quyết định ký kết làm ăn cần phải thẩm định kỹ đối tác. Doanh nghiệp cũng nên cố gắng soạn thảo hợp đồng mẫu và đưa vào hợp đồng mẫu tất cả những điều khoản có lợi nhất cho doanh nghiệp.


Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Phi, có thể liên hệ với các thương vụ Việt Nam tại châu Phi để nhờ thẩm tra và tư vấn. Hiện Việt Nam có 5 cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập, Algeria, Moroco, Nam Phi và Nigeria. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương cũng như các cơ quan hữu quan khác tổ chức, tham dự các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Việc tìm kiếm đối tác trên mạng Internet là khá rủi ro, nhất là ở khu vực Tây và Trung Phi, vì vậy nếu trong giao dịch thấy có biểu hiện bất thường, doanh nghiệp cần liên hệ với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á - Nam Á hoặc các thương vụ Việt Nam tại châu Phi để nhờ tư vấn.


Khi tham gia đầu tư, kinh doanh ở thị trường UAE, doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin để tránh những thiệt hại khi kinh doanh, đầu tư tại đây. Theo đó, các doanh nhân nên sử dụng visa rời khi vào Israel bởi đã có người bị từ chối nhập cảnh vào các nước Ả-rập vì trước đó có visa nhập cảnh vào Israel trong hộ chiếu. Các đối tác tại đây cũng không có thói quen sử dụng thanh toán tín dụng thư (L/C) nên rủi ro trong kinh doanh là khá cao. Ngoài việc đánh giá đối tác đầy đủ cùng với việc tham vấn các thương vụ Việt Nam tại khu vực, các doanh nhân cũng nên tìm hiểu phong tục, tập quán của đối tác để có những hành xử phù hợp.


NGỌC Khánh