Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN). Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh/huyện, Sở Công Thương, các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, kinh doanh hạ tầng CCN.


Theo đánh giá, từ khi Quy chế quản lý CCN được ban hành, việc quản lý CCN ngày càng được các địa phương nhận thức đúng mức; việc quy hoạch, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN, đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong CCN thực  hiện theo trình tự, quy định của pháp luật; qua đó đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với các CCN, bước đầu đáp ứng được mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất ở nông thôn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, đặc biệt tại các làng nghề.


Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được việc đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào trong các CCN còn chưa như mong muốn; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN còn chậm, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại nhiều CCN chưa được đầu tư; tỷ lệ lấp đầy CCN còn thấp. Đồng thời, việc thực hiện Quy chế quản lý CCN cũng đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với các quy định mới của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường… Việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án sản xuất kinh doanh trong CCN ở các địa phương chưa thống nhất cơ quan đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Việc phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trong hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu quản lý CCN hiện nay.


Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, tồn tại như trên được cho là chưa có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; chưa tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong việc triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN. Ngoài ra, các văn bản về quản lý CCN đã tương đối đầy đủ nhưng  hiệu lực pháp lý chưa cao.


Để giải quyết các bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, phát triển CCN, các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải xây dựng Nghị định của Chính phủ về CCN thay thế Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg   ban hành Quy chế quản lý CCN nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho công tác quản lý, phát triển CCN trong thời gian tới.


Bên cạnh đó, mục tiêu của việc thành lập, phát triển CCN là di dời, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn vào sản xuất, hoạt động. Tuy nhiên,  các CCN này phần lớn có vị trí không thuận lợi, hạ tầng cơ sở xung quanh yếu kém. Vì vậy, cần phải có quy định cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với CCN đủ mạnh, cao hơn so với các ưu đãi, hỗ trợ các khu công nghiệp, khu kinh tế.


Đồng thời, để giảm chi phí, thời gian và thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn đầu tư vào CCN cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, cấp phép xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ và tăng cường việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với các dự án đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN.



Quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp: Thực trạng và giải pháp


Sau khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN) được ban hành, công tác quản lý CCN ở địa phương đã có bước chuyển biến rõ rệt. Các Bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung của Quy chế quản lý CCN; các địa phương đã tích cực phổ biến chính sách, quy định đến các Sở, ngành, UBND cấp huyện, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan; đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Quy chế. Việc đầu tư phát triển CCN đã bước đầu đáp ứng được mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh; góp phần di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các làng nghề nông thôn... Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện Quy chế quản lý CCN vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, trong đó có công tác quản lý và bảo vệ môi trường.


Hiện trạng quản lý và bảo vệ môi trường đối với CCN


Công tác bảo vệ môi trường đối với CCN thời gian qua được lồng ghép ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế (KKT), khu công nghệ cao, khu công nghiệp (KCN) và CCN; Thông tư 31/2009/TTLT-BCT-BTNMT ngày 04/11/2009 của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phối hợp giữa Sở Công Thương với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương; Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư số 48/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trườngvề việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT; Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 16/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết, lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản; Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị,...; và gần đây Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014, trong đó có quy định riêng nội dung quản lý và bảo vệ môi trường CCN (Điều 67).


Thực tế, hệ thống các văn bản về công tác quản lý và bảo vệ môi trường (trong đó có liên quan đến CCN) khá lớn, tuy nhiên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Công tác phân công, phối hợp thực hiện bảo vệ môi trường trong CCN giữa các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hạ tầng CCN và cơ quan quản lý môi trường ở địa phương chưa cụ thể, còn chồng chéo gây lúng túng trong triển khai thực hiện. Quy định việc hệ thống xử lý nước thải tập trung của CCN phải hoàn thành đưa vào vận hành trước khi các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong cụm đi vào hoạt động chưa phù hợp với điều kiện thực tế đối với các CCN có ngành nghề sản xuất không gây ô nhiễm môi trường vì đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung gây lãng phí nguồn lực,... Bên cạnh đó, số lượng văn bản hướng dẫn về công tác quản lý và bảo vệ môi trường tuy nhiều nhưng vẫn có nội dung bỏ trống. Đơn cử, việc hướng dẫn nội dung, quy trình thẩm định, thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Đề án quy hoạch tổng thể phát triển CCN chưa có.


Hiện nay, việc đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh tại các CCN so với các KKT, KCN còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên do của tình trạng này là: CCN thường có quy mô diện tích nhỏ (có CCN chỉ từ 01 – 03ha), chủ yếu nằm ở địa bàn nông thôn, vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng xung quanh yếu kém; đối tượng thu hút vào sản xuất kinh doanh trong CCN chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá thể,... có năng lực tài chính và trình độ quản lý yếu; công tác quy hoạch, thành lập được phân cấp cho địa phương; mô hình chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng đa dạng;  cơ chế chính sách ưu đãi hiện hành đối với CCN kém hơn rất nhiều so với cơ chế chính sách đối với KKT và KCN. Mặt khác, công tác triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN tại các địa phương đa số không đảm bảo theo đúng tiến độ, do khó khăn về tài chính.


Từ các nội dung nêu trên cho thấy, công tác xử lý môi trường tại các CCN hiện nay chủ yếu dừng lại ở việc xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, việc xử lý khí thải tại các CCN ít được quan tâm hơn.


Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN cũng đang là trở ngại  đối với các chủ đầu tư hạ tầng CCN do chi phí đầu tư  rất lớn, thường từ 10 – 20 tỷ đồng/hệ thống xử lý nước thải công suất xử lý 1000 - 1500 m3/ngày đêm. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung của các CCN chủ yếu từ ngân sách nhà nước nên việc triển khai khá chậm. Mặt khác, việc thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN tại nhiều CCN không theo đúng quy hoạch  đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung.


 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến hết năm 2014 cả nước có 119 CCN đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (trong đó 68 CCN đã xây dựng xong và 51 CCN đang xây dựng), chiếm khoảng 26% so với các CCN đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong đó, có 66 CCN có hệ thống xử lý nước thải chung đi vào hoạt động, nhưng trong số này, vẫn có những hệ thống không phát huy được hiệu quả.


Về xử lý chất thải rắn, nhiều cơ sở sản xuất trong các CCN chưa có hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy với các đơn vị chức năng được cấp giấy phép; đặc biệt là công tác quản lý chất thải nguy hại của các cơ sở trong các CCN hầu hết chưa thực hiện đúng theo quy định.


Ngoài ra, nguồn nhân lực làm công tác bảo vệ môi trường tại các CCN còn thiếu về số lượng và chuyên môn, kinh nghiệm quản lý; thiếu thông tin về những công nghệ và thiết bị xử lý môi trường, giá cả phù hợp để áp dụng trong điều kiện hiện có của các chủ đầu tư CCN.


Một số giải pháp


  Xây dựng CCN tại các địa phương nhằm di dời, sắp xếp, thu hút các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Để việc đầu tư phát triển các CCN đem lại hiệu quả như mong muốn, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,… thì việc hoàn thiện công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với CCN là vấn đề cấp thiết. Để công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại CCN được thực hiện tốt, cần phải: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường đối với CCN theo hướng xây dựng văn bản hướng dẫn riêng đối với CCN (nếu có thể); phù hợp với đối tượng đầu tư CCN (có tiềm lực tài chính và trình độ quản lý yếu); công tác phân công, phối hợp trong quản lý môi trường CCN giữa cơ quan quản lý CCN và cơ quan chuyên môn về môi trường của UBND các cấp, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCN phải cụ thể, rõ ràng; hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cần thường xuyên được rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung; cần có chế tài đủ mạnh để xử phạt các trường hợp chủ đầu tư hạ tầng CCN, các doanh nghiệp thứ cấp trong CCN không tuân thủ công tác bảo vệ môi trường;


Công tác quy hoạch, định hướng thu hút các dự án đầu tư vào CCN theo hướng ưu tiên quy hoạch những dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn; khi quy hoạch xây dựng, bố trí diện tích đất trồng cây xanh, đảm bảo khoảng cách giữa CCN và khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng đối với sinh hoạt của người dân;  


Cần quan tâm tới công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về môi trường đối với cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, thanh tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với chủ đầu tư hạ tầng và chủ cơ sở sản xuất trong CCN;


Cần có cơ chế của nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường tại các CCN, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường di dời vào CCN./.

 


Nguyễn Hoa (Cục CNĐP)