Ngày 11/3/2016, khởi động cho chuỗi sự kiện chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 9 với chủ đề “Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) - Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam - đã đến tham dự và khai mạc Diễn đàn.


Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu đang là chủ đề nóng bỏng và cấp thiết với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sắp tới là TPP, và đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do…, nên có thể nhận được nhiều cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức. Doanh nghiệp chính là lực lượng tiên phong - đi đầu trong xây dựng thương hiệu, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90% các doanh nghiệp Việt Nam, là nguồn dồi dào cho việc tiếp nhận các thương hiệu đạt THQG trong thời gian tới.

 
Chính vì vậy, tại các kỳ Diễn đàn trước đây đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thương hiệu nói chung, đặc biệt THQG nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và mô hình liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp THQG nói riêng. Đặc biệt, Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2015 đã đạt được đồng thuận cao về việc thành lập liên kết giữa các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, giúp tạo sức mạnh cộng hưởng cho toàn nền kinh tế.
 
Do đó, ngoài những nội dung trao đổi về kinh nghiệm, kiến thức cần thiết cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia Chương trình THQG, nhân dịp Diễn đàn lần thứ 9 năm nay, Diễn đàn Doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia (DNTHQG) chính thức được ra mắt với vai trò là một mô hình kết nối giữa các doanh nghiệp THQG với nhau, cũng như tạo điều kiện để kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung. Ban chỉ đạo Diễn đàn DNTHQG gồm 06 thành viên, do ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen làm Chủ tịch, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương làm Phó chủ tịch Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động của Diễn đàn. Mục đích của Diễn đàn THQG Việt Nam nhằm (1) Kết nối các doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp kết hợp với THQG (Vietnam Value); (2) Quảng bá, thúc đẩy cho các hoạt động của Chương trình Thương hiệu Việt Nam; và (3) Thu hút, đẩy mạnh số lượng các doanh nghiệp tham gia và đạt chuẩn THQG.
 

Phát biểu sau lễ ra mắt Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn DNTHQG - Đại diện Công ty CP Nhựa Bình Minh, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Ngân bày tỏ biết ơn “sân chơi” Thương hiệu quốc gia vì nhờ đó mà các doanh nghiệp ngày càng nỗ lực cải thiện vị trí của mình. Theo ông, đến nay, các doanh nghiệp đã không tham gia “sân chơi” một cách thụ động mà ngày càng chủ động. Từ 30 doanh nghiệp đạt THQG năm 2008 đến 63 doanh nghiệp năm 2014, con số tăng lên theo từng năm chứng tỏ nhận thức của các doanh nghiệp không ngừng được nâng cao. Ông Nguyễn Hoàng Ngân nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của Diễn đàn là kết nối các doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia mà quan trọng hơn là kết nối cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau phát triển.


 
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cao cấp về thương hiệu cũng đã được chia sẻ tại Diễn đàn như: Ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng Châu Á, Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance đã đánh giá Việt Nam có những bước tiến nhất định trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, tuy nhiên công tác này cũng cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian hiện tại, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Cũng theo Ông Thierry Noyelle, cố vấn cao cấp của Chương trình Hợp tác SECO-VIETRADE, để tăng cường xuất khẩu, cũng như tăng năng lực cạnh tranh thì không thể thiếu thương hiệu. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn nữa trong công tác xây dựng thương hiệu để phát triển kinh doanh.
 
Tại phần thảo luận của Diễn đàn lần thứ 9 đã nhận được nhiều câu hỏi quan tâm của doanh nghiệp nhỏ và vừa tới Chương trình THQG và hình thức tham gia Chương trình. Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết năm 2016 là kỳ xét chọn lần thứ 5 của Chương trình THQG và các doanh nghiệp có thể liên hệ Ban Thư ký đăng ký. Chương trình THQG không phải là một giải thưởng, mà là một Chương trình, theo đó khi tham gia, các doanh nghiệp sẽ được đồng hành, hỗ trợ trong nhiều hoạt động quảng bá, và hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Chương trình THQG là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ). Trong điều kiện nguồn lực vô cùng hạn chế, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành, địa phương và sự tham gia hưởng ứng rất tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ trì triển khai Chương trình THQG, tập trung các hoạt động quảng bá, tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam tiêu biểu. Công tác tuyên truyền, quảng bá ngày càng được đổi mới góp phần tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá không chỉ được thực hiện trong nước mà còn vươn tới các thị trường nước ngoài thông qua nhiều sự kiện hội chợ, triển lãm theo các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia được thực hiện hàng năm.
 
Trên cơ sở phát huy những giá trị này, các doanh nghiệp đạt THQG là những đại diện tiêu biểu và dẫn đầu trong từng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh như các thương hiệu VNPT, Hòa Phát, Việt Tiến, Cadivi, SJC, Traphaco, PTSC, Nhựa Bình Minh, Vinacafe, VietinBank, Sabeco, Vinamilk, Hoa Sen, Viglacera, v.v... Cục Xúc tiến thương mại luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp đạt THQG duy trì tăng trưởng và phát triển vững mạnh. Nhiều doanh nghiệp sau khi đạt THQG đã đạt những thay đổi tích cực trong phát triển kinh doanh dẫn đến những đóng góp của các doanh nghiệp đạt THQG vào nền kinh tế Việt Nam. Tổng doanh thu năm 2014 của các doanh nghiệp này đạt gần 180 ngàn tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm 2012. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 80 ngàn tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2012 với hàng trăm ngàn lao động đã được tạo công ăn việc làm tại các doanh nghiệp trên. Công tác xã hội và từ thiện cũng đã được các doanh nghiệp này tích cực thực hiện khi đã đóng góp hơn 200 tỷ đồng trong năm 2014.



Nguồn: moit.gov.vn