Tại Hội nghị ngành Công Thương 14 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ được diễn ra tại Ninh Bình. Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương - Bùi Xuân Khu chủ trì cùng đại diện: lãnh đạo một số tỉnh, lãnh đạo các Sở Công Thương 14 tỉnh và một số các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư… đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, trong phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành Công Thương 14 tỉnh.

Thực trạng và kiến nghị

Triển khai Nghị quyết 30/2008/NQ-CP, thời gian qua các bộ, ngành đã tích cực triển khai các gói kích cầu của Chính phủ. Hệ thống ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn. Các địa phương thì triển khai hàng loạt các giải pháp tăng kinh phí hỗ trợ, xúc tiến thương mại. Đồng thời, các cấp, các ngành cùng triển khai các giải pháp, giảm hoặc kéo giãn thời gian nộp thuế TNDN, tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp của các địa phương trong khu vực vẫn phải hoạt động cầm chừng, giá trị kim ngạch xuất khẩu chưa được khôi phục, tiếp tục suy giảm. Kết quả 6 tháng đầu năm 2009, toàn ngành Công Thương vùng Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ mới chỉ đạt khoảng 45% kế hoạch cả năm về giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 38 % kế hoạch năm với hơn 6.092 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008.
Có quá nhiều những khó khăn vướng mắc trong kêu gọi đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại được các đại biểu nêu tại hội nghị. Ý kiến của các đại biểu về tình hình gói kích cầu hỗ trợ lãi suất vốn vay từ các ngân hàng đều có chung nhận xét: Tỷ lệ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này đạt thấp. Hiện, các HTX rất khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhưng tỷ lệ các HTX được tiếp cận các nguồn vốn lãi suất ưu đãi này mới chỉ đạt 3 % . Tại Ninh Bình mới có khoảng 30% doanh nghiệp được hưởng vốn vay nằm trong gói hỗ trợ kích cầu của Chính phủ.

Nguyên nhân được các đại biểu thảo luận là do: Phần lớn các doanh nghịêp có quy mô hoạt động sản xuất quá nhỏ; hệ thống kế toán sổ sách không đủ điều kiện vay; dự án sản xuất không có tính khả thi, trong khi đó tài sản thế chấp ngân hàng không có và độ tín nhiệm với các ngân hàng lại càng không.

Nói về các dự án đầu tư, nhiều đại biểu phàn nàn, do thủ tục vay vốn rườm rà, tiến độ giải ngân chậm, kéo theo tiến độ thực hiện dự án khó hoàn thành theo tiến độ. Ông Đỗ Quang Thịnh – Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng nói: Hiện nay, Thành phố đang gấp rút hoàn thành nhiều dự án lớn về xây dựng nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất phân bón… Dự án Nhà máy phân bón Diamon Phốt phát (DAP), là dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 626/QĐ -TTg ngày 29/7/2002, và phát lệnh khởi công ngày 27/7/2003 với tổng đầu tư là hơn 170 triệu USD, đây là nhà máy sản xuất phân phức hợp, công nghệ hiện đại của châu Âu và Mỹ, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với 2 gói thầu quốc tế và 17 gói thầu trong nước. Dự kiến mỗi năm Nhà máy sẽ chủ động cung cấp phân bón cho ngành sản xuất nông nghiệp mỗi năm khoảng 330.000 tấn phân bón tổng hợp DAP, 460.000 tấn Axit Phôtphoric và hơn 410.000 tấn Axit, việc làm cho khoảng 600 lao động tại các địa phương khu vực quanh Nhà máy. Theo kế hoạch Nhà máy sẽ hoàn thành đi vào sản xuất vào cuối năm nay, Tuy nhiên với thủ tục vay vốn hiện nay rất phức tạp, các gói thầu trong nước sẽ chậm giải ngân, rất khó thực hiện kịp tiến độ để bàn giao.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam - Lê Văn Tân có ý kiến, hiện trên địa bàn Tỉnh, các doanh nghiệp không mấy mặn mà với các dự án đầu tư. Vì thế, Tỉnh gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Nói về nguyên nhân ông Tân cho rằng: ngoài nguyên nhân chủ quan là do tác động xấu của kinh tế suy giảm, còn do chính sách của Nhà nước về quy định ưu tiên miễn giảm thuế đất, giải phóng mặt bằng, liên tục thay đổi, không phân định rõ ràng, gây lúng túng cho cơ quan quản lý đầu tư cũng như nhà đầu tư khi quyết định đầu tư.

Hiện các Khu Công nghiệp (KCN), Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp (CCN – TTCN) đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển công nghiệp của các địa phương nói riêng. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có quy định thống nhất chung trong việc việc xây dựng và quản lý các KCN, CCN – TTCN. Vì thế, mỗi địa phương phải tự đề ra một quy chế quản lý tạm thời dẫn tới tình trạng mỗi nơi làm mỗi khác. Vai trò quản lý của các Sở Công Thương đối với các KCN, CCN – TTCN chưa rõ ràng. Chính điều này đã làm hạn chế việc liên kết phát triển giữa các địa phương. Trong khi đó, chức năng quản lý của Sở là quản lý nhà nước về Công Thương tại địa bàn địa phương. Do vậy, việc nắm bắt thông tin, xây dựng báo cáo của các Sở đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vấn đề tập trung xử lý môi trường tại các KCN, CCN – TTCN và sự phối hợp phát triển các KCN giữa các tỉnh trong vùng. Theo ông Thịnh – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng: ở tầm vĩ mô, Bộ nên sớm trình Chính phủ để ban hành cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, thoả đáng đối với các KCN, CCN – TTCN.


Hiện nay ngành Công Thương nói chung và ngành Công Thương 14 tỉnh Đồng bằng sông Hồng nói riêng đều gặp phải vấn đề nan giải về bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, có rất nhiều đơn vị bán lẻ điện nông thôn không đủ điều kiện hoạt động và bán giá điện đúng theo quy định tại Thông tư 05/2009/TT-BCT ngày 20/2/2009 của Bộ Công Thương. Vì Nhà nước chưa ban hành được cơ chế hoàn trả vốn, nên các địa phương rất khó khăn trong việc xây dựng ngừng cấp điện để bàn giao cho ngành điện quản lý.

Vấn đề này, Thứ Trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng, vướng nhất hiện nay là hầu hết lưới điện hạ thế đều không đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, nếu cứ theo các quy định hiện hành, phải có đủ hồ sơ, chứng từ mới thực hiện hoàn trả thì sẽ không thể thực hiện được. Nếu bỏ hồ sơ gốc thì lại dễ dẫn đến trường hợp lợi dụng biến tài sản Nhà nước thành vốn tư nhân. Hiện liên Bộ Công Thương – Tài Chính đang cùng EVN nghiên cứu để tìm giải pháp giải quyết vấn đề cho phù hợp với thực tế.

Nói về công tác kiểm định chất lượng hàng hoá, hiện nay tất cả các vụ việc khi xảy ra tại các địa phương thì đều phải mãng mẫu hàng hoá về trung tâm Hà Nội để kiểm định. Ông Võ Kim Cự - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có ý kiến làm như vậy khiến các địa phương rất vất vả mất nhiều thời gian, kết quả kiệm định sẽ bị chậm, khó kiểm soát. Theo ông Cự, nên chăng Nhà nước cần phải có trung tâm kiểm định chất lượng các vùng.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Đại diện Sở Công Thương Nam Định đã đưa ra ý kiến: Nên tăng cường mối liên hệ và sự gắn kết giữa các cơ quan Bộ với các Sở Công Thương. Đặc biệt là vấn đề liên kết hợp tác phát triển giữa các địa phương tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Làm như thế chúng ta sẽ có điều kiện thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án xúc tiến kêu gọi đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại, cũng như công tác khuyến công, phát triển KCN, CCN – TTCN, doanh nghiệp nông thôn, hệ thống phân phối bán lẻ, an toàn, môi trường công nghiệp… sẽ được phát triển tối đa. Bên cạnh đó các vướng mắc về cơ chế, chính sách, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được tháo gỡ giải quyết được thông thoáng.

Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu ghi nhận những nhóm kiến nghị của các đại biểu. Bộ Công Thương sẽ chuyển ý kiến trực tiếp tới các Bộ ngành liên quan để xem xét, giải quyết từng vấn đề thuộc thẩm quyền. Đông thời nghiên cứu trình Chính phủ các vấn đề Hội nghị đã nêu ra, nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Công Thương 14 tỉnh trong Vùng hoàn thành kế hoạch và đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra./.

Thu Hoài - Báo CT