Nằm trong Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố (lần 1 - 2013), đường thốt nốt là một sản phẩm nổi tiếng của tỉnh An Giang mà khi đã biết đến đều không thể quên…


Cây thốt nốt gắn liền với cuộc sống của bà con Khmer, hầu như gia đình người Khmer nào cũng có từ vài cây đến vài chục cây thốt nốt, trong đó, đường thốt nốt không chỉ là một đặc sản nổi tiếng mà còn là một nguồn thu nhập lớn của người dân, nhất là ở vùng Tịnh Biên tỉnh An Giang, khách du lịch qua đây đều mua ít đường thốt nốt về làm quà.

 

Đường thốt nốt là loại đường được nấu từ mật hoa của cây thốt nốt, công đoạn làm khá công phu và nhiều vất vả, đặc biệt là công đoạn hứng mật (mật ngọt thu được từ các bông mo non kể cả hoa đực lẫn hoa cái của cây thốt nốt). Để có được thứ nước trong, ngọt, không bị chua để làm ra loại đường hảo hạng thì cần phải cẩn thận trong từng khâu. Khi hứng được mật rồi thì phải bắt tay vào nấu đường ngay, nếu để lâu quá một ngày sẽ có mùi chua làm giảm chất lượng đường. Sau khi được dịch mật lọc trong hết tạp chất rồi được nấu cho đến khi sệt lại, để nguội rồi đổ vào khuôn là hoàn thành.

 

Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh được gói trong những chiếc lá thốt nốt trông như những đòn bánh tét đẹp mắt. Đặc biệt, ngoài vị ngọt thanh nhẹ, đường thốt nốt còn mang đến cho người thưởng thức vị béo, khi ăn rất dễ gây "nghiền". Mặc dù đường thốt nốt có độ ngọt kém hơn các loại đường làm từ nguyên liệu khác nhưng lại thơm hơn và có lẽ do sản lượng đường thốt nốt cũng ít hơn nên cũng quý hơn.

 

Vị ngọt thanh, thơm ngon của đường thốt nốt rất phù hợp để nấu chè. Món chè đậu xanh sẽ có vị thanh mát, ngọt dịu hơn, vị bùi bùi của đậu xanh vì thế cũng rất hấp dẫn khi được nấu cùng đường thốt nốt. Chính vị thanh mát của đường thốt nốt làm cho món ăn thêm ngon miệng và còn có tác dụng làm mát, chữa viêm họng. nếu bị đau họng hay họng khô rát chỉ cần nhai một miếng nhỏ đường thốt nốt nốt sẽ cảm thấy dễ chịu ngay.Việc sản xuất đường thốt nốt chủ yếu được làm theo phương pháp truyền thống, do đó thành phẩm thường không để được quá hai tháng. Nhằm sản xuất ra được những thanh đường sạch, nguyên chất, và có thể sử dụng lâu, thì yêu cầu dịch mật phải đảm bảo trong, không lẫn tạp chất hoặc sử dụng chất tẩy.

 

Hiện nay đã có những cơ sở sản xuất đường thốt nốt ký hợp đồng thu mua với các hộ dân nhằm kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đầu vào, đồng thời đầu tư cơ sở máy móc thiết bị chế biến và sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa ra thị trường sản phẩm đường thốt nốt đạt chất lượng cao.Năm 2012, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, trong lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, sản phẩm đường thốt nốt đã được tỉnh An Giang bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh.

 

Không chỉ là nguyên liệu để sử dụng trong nấu các món chè hay là phụ gia đem lại cho những ly nước có vị ngọt tự nhiên, đường thốt nốt còn được dùng như một gia vị nêm nếm trong các món ăn khác, như nước chấm, kho cá... Góp phần làm phong phú thêm cẩm nang gia vị chế biến các món ăn của người Việt, đường thốt nốt của người Khmer đang ngày càng quen thuộc hơn với người tiêu dùng. Vị ngọt dịu, thanh mát của đường thốt nốt còn như một "gia vị tâm hồn", đem lại cảm giác ngọt ngào, sảng khoái trong cuộc sống mỗi khi thưởng thức những món ăn có hương vị đặc biệt.

Thanh Hòa