Tỉnh Thái Nguyên hiện có 32 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích quy hoạch 1.170 ha; trong đó 19 CCN đã có doanh nghiệp (DN) đầu tư, 13 CCN chưa có DN đầu tư. Đến nay mới chỉ có 5 CCN đã được lấp đầy với diện tích là 97,87 ha.


Nhiều nhưng chưa mạnh


Trong tháng 4 và tháng 5/2015, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc khảo sát tổng thể toàn bộ các CCN trên địa tỉnh. Theo đánh giá chung, hầu hết các địa phương đã rất cố gắng trong việc triển khai xây dựng và thu hút đầu tư vào các CCN. Nhiều CCN đã đem lại hiệu quả xã hội tốt, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, CCN  trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc thi công hệ thống thoát nước; hệ thống điện chiếu sáng; đường giao thông nội bộ trong các cụm công nghiệp.

 

Một số CCN đang phát huy hiệu quả nhưng sự đóng góp làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp tại địa phương vẫn không cao, việc thu hút đầu tư hạ tầng đối với các CCN trên địa bàn còn chưa tốt; chưa được xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng; công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc, một số dự án còn chậm tiến độ, các chủ đầu tư hạ tầng còn hạn chế về vốn. Đặc biệt, việc đầu tư vào các CCN  trên toàn tỉnh vẫn còn nhỏ bé, manh mún, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các dự án trong CCN  còn nghèo nàn chủ yếu do các DN tự đầu tư, thiếu sự kết nối đồng bộ; các địa phương khó khăn trong việc tìm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật có đủ năng lực; hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của các DN trong CCN  có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường.


Cụ thể, TP. Thái Nguyên có hơn 1.170 ha đất dành cho các CCN, nay có 17 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các CCN với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 446 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 600 lao động. Tuy nhiên, các CCN Cao Ngạn, CCN số 5… còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư do kết cấu hạ tầng chưa được hoàn chỉnh, nhiều dự án còn chậm tiến độ.


Thị xã Sông Công cũng có 3 CCN đang hoạt động gồm: CCN  Nguyên Gom, CCN  Khuynh Thạch và CCN  Bá Xuyên với tổng diện tích quy hoạch là 86,83 ha. Trong đó chỉ có hai CCN  Nguyên Gom và Khuynh Thạch thuộc phường Cải Đan đã có 15 dự án đang đầu tư, sản xuất (14 dự án đang hoạt động, 1 dự án chưa triển khai). Riêng CCN  Bá Xuyên tại xã Bá Xuyên đã có quy hoạch chi tiết nhưng chưa có cơ sở hạ tầng, chưa có nhà đầu tư nào đăng ký.


Huyện Đồng Hỷ có 5 CCN  đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung, trong đó 3 cụm được quy hoạch chi tiết gồm: CCN Nam Hòa, Đại Khai, Quang Sơn với tổng diện tích 137ha. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung, chưa có hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng CCN  và chưa có chủ đầu tư đủ mạnh sẵn sàng đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật của CCN  mà chủ yếu là nhà đầu tư thứ cấp đầu tư trực tiếp. Bên cạnh đó, còn 2 CCN  chưa được lập quy hoạch chi tiết là CCN  Quang Trung – Chí Son và Quang Sơn.


Huyện Đại Từ hiện có 4 CCN trong quy hoạch là: Phú Lạc 1, Phú Lạc 2, An Khánh 1 và An Khánh 2 với tổng diện tích trên 180ha. Trong đó, CCN An Khánh 1, Phú Lạc 2 đã có nhà máy hoạt động hiệu quả nhưng cũng mới có 3 nhà đầu tư, quá ít so với với tiềm năng. Tuy nhiên,  đã thu hút được lượng vốn đầu tư khoảng vài nghìn tỷ đồng, đạt hiệu quả kinh tế tốt, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.


CCN Phú Lạc 1, An Khánh 2 chưa có nhà đầu tư. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chính vì vậy nhiều DN đã đăng kí xây dựng trụ sở nhưng vẫn chưa được triển khai. Đường vào CCN An Khánh 1 không có, toàn bộ hoạt động đầu tư là dùng đường giao thông liên xã chưa đáp ứng được yêu cầu trong quá trình xây dựng và phát triển cụm công nghiệp.


Tìm cách gỡ khó


Nhằm tăng cường thu hút nhà đầu tư vào các CCN, lãnh đạo các địa phương đã đề nghị với UBND tỉnh Thái Nguyên bố trí nguồn ngân sách và có cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cho các CCN trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; xử lý theo quy định đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ hoặc không thực hiện đầu tư theo quy định pháp luật; chỉ đạo các ngành điện, nước phối hợp với các nhà đầu tư để cung cấp hệ thống điện, nước tới chân hàng rào CCN, đảm bảo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh…


 UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu lãnh đạo UBND các huyện và TP. Thái Nguyên trong thời gian tới cần tăng cường công tác quản lý các CCN, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, hướng dẫn chỉ đạo các nhà đầu tư phải có sự đồng bộ và kết nối hạ tầng.

Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu tìm ra các chế độ, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư trong các CCN. Tập trung kiểm tra rà soát các DN đang hoạt động trên địa bàn để định hướng, thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN hoạt động tốt. Yêu cầu các sở phối hợp với các ngành nghiên cứu cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ các CCN  để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư. Tổ chức đối thoại với nhà đầu tư để tìm hướng giải quyết triệt để.

Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, địa phương cần căn cứ quy định của pháp luật để giải quyết dứt điểm tạo thuận lợi cho DN có mặt bằng sạch đầu tư. Thường xuyên động viên các DN đang sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm môi trường, an ninh trật tự. Địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư; quản lý chặt chẽ qui hoạch các CCN  đã được phê duyệt, tăng cường kiểm tra hướng dẫn các DN trong đầu tư xây dựng, đảm bảo việc kết nối hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết. Sở Tài chính, sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ phát triển các CCN tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các Sở, Ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ quản lý của mình có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra DN đầu tư vào CCN  hoàn thiện hồ sơ pháp lý để được thực hiện các dự án đầu tư vào CCN  theo quy định của pháp luật.


Khánh Chi