Đó là quan điểm, phương châm hành động nhất quán, đồng bộ của cả hệ thống chính trị của tỉnh Thái Nguyên nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, giải pháp tiến tới mục tiêu tăng trưởng và bền vững.

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước và Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, sự quyết tâm chính trị của tỉnh Thái Nguyên được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định: Cải cách hành chính là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, mang lại những giá trị thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 07/4/2016 về Tăng cường các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); UBND tỉnh đã phê duyệt chỉ số và quy định đánh giá, xếp hạng CCHC của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá, đồng thời tổ chức triển khai công tác tự chấm điểm và điều tra xã hội học để có thêm kênh nắm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.


Ông Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2016, tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thông qua việc ký cam kết với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó Thái nguyên tiếp tục thực hiện 03 khâu đột phá, 3 quan điểm xuyên suốt chiến lược đó là: Đột phá về công tác quy hoạch; đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng về hạ tầng giao thông; đột phá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính; thân thiện vớidoanh nghiệp; thân thiện với người dân; thân thiện với môi trường, trong đó thân thiện với các doanh nghiêp là ưu tiên hàng đầu. Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ và tạo sự gắn kết đồng hành giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp như: Thực hiện cơ chế khyến khích, ưu đãi đầu tư, đào tạo lao động, miễn tiền sử dụng đất, thuế, thu nhập doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị, tọa đàm, giới thiệu về cơ hội và thách thức của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thái Nguyên tiếp cận, tận dụng tối đa những lợi thế, trong tiến trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Từ sự quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo thống nhất và thực hiện đồng bộ các giải pháp, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. 


Thái nguyên khai mạc Hội chợ triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm tiêu biểu năm 2017.

Về công tác cải cách hành chính: Có 19/20 số sở, ban, ngành và 100% số địa phương cấp huyện, cấp xã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 9/9 đơn vị cấp huyện được hỗ trợ đầu tư một cửa hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Bộ máy hành chính các cấp ngày càng được hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp tục được phân định rõ ràng; những thủ tục hành chính được tinh gọn; chất lượng các văn bản ban hành được chú trọng, kịp thời, gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; tinh thần thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp được đề cao.

Về chỉ số cạnh tranh (PCI): Tỉnh Thái Nguyên đã có sự thăng hạng ngoạn mục, năm 2011 từ vị trí 57/63 tỉnh, thành phố đã vươn lên vị trí thứ 17. Trong 3 năm trở lại đây, Thái Nguyên luôn duy trì tốp 10 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước. Thu hút đầu tư tăng nhanh, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài; nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động và có giá trị xuất khẩu lớn đã được đầu tư và phát huy hiệu quả tại Thái Nguyên, tạo ra bước phát triển mạnh về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về môi trường đầu tư: Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thái Nguyên đang là địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn. Chỉ số PCI đã phản ánh những nội dung đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, trên địa bàn ngày càng có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, uy tín đến tìm hiểu, đăng ký và triển khai các dự án trên địa bàn như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Phúc Lộc, Tập đoàn Xuân Trường; Tập đoàn Vingroup...  Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến thời điểm  tháng 8/2017 trên địa bàn tỉnh có trên 5.731 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, tổng vốn thực hiện 62.224,85 tỷ đồng. Cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn cho 12 dự án, tổng vốn đầu tư 70,432 triệu USD và 15 tỷ đồng. Trên địa bàn có tổng số 826 dự án đã đầu tư, với tổng vốn đầu tư 294.110 tỷ đồng, trong đó 127 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 7,2 tỷ USD.  

Như vậy, Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp mà nó còn tác động tích cực đến sự  phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đó là chìa khóa để doanh nghiệp và chính quyền cùng mở ra một giai đoạn hợp tác, phát triển mới, thành công và thịnh vượng nhiều hơn. 

 

Nguồn: Thời báo làng nghề Việt