Hiện nay, việc cơ giới hóa nông nghiệp trong khâu thu hoạch lúa, máy cưa xẻ gỗ, máy cưa bào liên hợp phục vụ cho chế biến gỗ tại các cơ sở Mộc dân dụng trong tỉnh Bình Thuận được nông dân các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh…phát triển mạnh.


Hàng năm đến mùa gặt, trên những cánh đồng lúa bát ngát chỉ thấy những chiếc máy gặt đập liên hợp, không còn phương pháp gặt thủ công bằng tay. Những cơ sở Mộc dân dụng cũng được cơ giới hóa, không còn cưa, đục, bào gỗ bằng tay mà hoàn toàn làm bằng máy.


Việc cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh nhất là huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc. Nơi đây có nhiều nông dân sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư mua các loại máy hiện đại phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp địa phương. Năm 2009, thực hiện quyết định 497 của Thủ tường Chính phủ về việc cho nông dân vay vốn mua sắm máy móc có hỗ trợ lãi suất nên rất nhiều nông dân đã nghĩ ngay đến việc mua sắm máy móc phục vụ cho nông, công nghiệp.


Ông Hồ Văn Năm ở xã Nghi Đức, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận sau nhiều năm sản xuất có tích lũy được số tiền kha khá, ông mua 1 máy gặt đập liên hợp, trong đó số tiền của gia đình ông có trên 100 triệu, số còn lại gần 100 triệu ông mạnh dạn vay ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh. Chỉ sau một năm, ông cho máy đi gặt thuê trên diện tích lúa của xã, huyện ông đã thu lãi và trả nợ xong cho ngân hàng. Trong xã còn có nhiều hộ cũng vay ngân hàng mua máy, nhưng chỉ vài năm đi gặt thuê cũng trả tiền vay cho ngân hàng. Còn anh Lê Văn Tám xã viên làng nghề Mộc Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Anh bỏ vốn ra trên 10 triệu mua một máy cưa xẻ gỗ phục vụ cho 25 xã viên trong làng nghề Mộc. Chỉ sau 5 tháng, anh đã thu hồi được vốn liếng bỏ ra và còn có lãi để nuôi 4 lao động.


Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ tại huyện Tánh Linh có khoảng 45 máy gặt đập liên hợp. Huyện Đức Linh có khoảng 38 máy, huyện Hàm Thuận Bắc có khoảng 40 máy và huyện Hàm Thuận Nam có khoảng 24 máy gặt đập liên hợp. Đồng thời ở các làng nghề Mộc dân dụng trong tỉnh cũng xuất hiện nhiều loại máy cưa xẻ gỗ, máy cưa bào liên hợp có giá trị, sản xuất ra nhiều sản phẩm đẹp mắt phục vụ cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.


Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Huyện Hàm Thuận Bắc, Tỉnh Bình Thuận