Đến Gia Lai vào những ngày tháng 3 cao điểm mùa khô, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những cánh đồng thuốc lá đang vào độ thu hoạch xanh ngút ngàn, trải dài bất tận và nếu quan sát từ trên cao sẽ dễ dàng liên tưởng đến một "ốc đảo xanh" giữa sa mạc trơ trụi nắng.


“Thay da đổi thịt” nhờ thuốc lá

Gia Lai được coi là miền đất ưa thích của các cây công nghiệp ngắn ngày (cà phê, cao su, hồ tiêu, điều…) nhưng thuốc lá lại là cây chủ lực được người dân nơi đây lựa chọn canh tác nhiều nhất trong những năm trở lại đây. Ban đầu thuốc lá chỉ được trồng tự phát tại một số hộ dân, song với đặc tính dễ thích nghi và phát triển trên vùng thời tiết khắc nghiệt, thích hợp trồng xen canh với các loại cây nông sản khác; năm 2005, tỉnh Gia Lai đã được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm trồng cây thuốc lá với tổng diện tích trên 4000 ha, sản lượng đạt khoảng 9.625 tấn/năm.


Đến huyện Ia Pa, Gia Lai, không khó để nhận ra sự đổi thay của người dân nơi đây sau khi trồng thuốc lá. Cả 4 người trong gia đình ông Nông Văn Cầm hiện đều làm nghề trồng thuốc lá. Sau 11 năm gắn bó trên cánh đồng trồng 2,8 ha, thuốc lá đã và đang giúp gia đình ông “thay da đổi thịt”. Trước đây, gia đình ông chỉ trồng cây lúa, đậu, bắp, không có nhà cửa, xe cộ, đời sống hết sức vất vả, khó khăn. Bước ngoặt bắt đầu từ năm 2004 khi gia đình ông tham gia trồng thuốc lá. “Năm vừa rồi, thuốc lá được giá, sau khi thu hoạch, trừ chi phí ban đầu gia đình tôi thu lãi khoảng 180 triệu đồng. So với cây lúa, thuốc lá đem lợi nhuận cao gấp 10 lần. Nhờ đó, gia đình tôi đã sắm được một máy cắt lúa trị giá 580 triệu”. Ông Nông Văn Cầm chia sẻ thêm.


Theo chân ông Trương Nguyên Hảo, Chủ tịch xã Ia Broai, huyện Ia Pa, Gia Lai, chúng tôi tìm gặp gia đình ông Nê É. Tiếp chúng tôi sau khi ông vừa phun tưới nước cho ruộng thuốc lá rộng 2 ha. Mồ hôi mướt mải chảy dài trên làn da sạm đen vì nắng, song ông không giấu nổi niềm hạnh phúc trên nụ cười được mùa. Ông nhớ lại, trước đây gia đình chỉ biết bắt cá, đi đò để kiếm kế sinh nhai. Trồng lúa, bắp giá cả cũng rất bấp bênh. 10 năm trở lại đây gia đình ông chuyển hẳn sang trồng thuốc lá, cũng từ đó cuộc sống của gia đình ông đã ổn định và tiến lên khấm khá thuộc loại nhất nhì trong vùng. Gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang thay cho chỗ ở tạm bợ bằng mái tôn. Ông tự hào khoe với chúng tôi chiếc máy cắt và máy công nông – 2 tài sản lớn gia đình vừa “tậu” được nhờ kết quả thu hoạch từ vụ mùa vừa qua. Phấn khởi xen lẫn niềm xúc động, ông cho biết: “Nhờ kinh tế khá lên con cái chúng tôi được học hành tử tế hơn. Hiện nay người con lớn đang học Đại học, còn người con út đang học Cao đẳng. Nói thật, nếu không có cây thuốc lá thì chúng tôi không biết nuôi con ăn học ra sao”.


Tại thị xã Ayun Pa, một trong ba vùng trọng điểm trồng cây thuốc lá của tỉnh Gia Lai không ai là không biết gia đình anh Kso Nô En. Mới chỉ trồng thuốc lá được 4 năm nhưng kinh tế gia đình đã khấm khá lên rất nhiều so với trước. Với 2 ha thuốc lá, năm vừa qua gia đình anh thu lãi hơn 80 triệu đồng. Từ chỗ chỉ có chiếc xe đạp là tài sản lớn nhất, gia đình anh hiện đã sắm được xe máy, ti vi và một số vật dụng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày và trở thành một trong số những hộ dân điển hình về làm kinh tế nhờ cây thuốc lá.

Đẩy mạnh liên kết “bốn nhà”, hình thành vùng nguyên liệu bền vững

Theo ông Trương Nguyên Hảo, Chủ tịch xã Ia Broai, Ia Pa, Gia Lai, trong những năm qua, từ khi Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) về đầu tư tại địa phương, người dân đã chuyển đổi cây trồng sang trồng thuốc lá. Thuốc lá trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi về kinh tế của nông dân tại các vùng trồng. Nhiều hộ gia đình trồng thuốc lá thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay trên cánh đồng của mình, đây là điều rất ít cây nông nghiệp làm được. Trong những năm gần đây việc thị trường các sản phẩm nông nghiệp nói chung không ổn định đầu ra, biến động thị trường làm giá cả thu mua có xu hướng giảm hoặc không ổn định. Tuy nhiên, với thị trường cây thuốc lá luôn có xu hướng đi lên, trong 3 năm gần đây, giá năm sau luôn cao hơn năm trước từ 12-15%; góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người nông dân.


Hiện nay, 90% diện tích thuốc lá của Gia Lai là do các doanh nghiệp đầu tư cho người nông dân theo mô hình “bốn nhà”: doanh nghiệp - nhà nông - nhà nước - nhà khoa học. Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cho biết, Vinataba đã phối hợp với các đơn vị đối tác liên doanh như BAT đầu tư cho người nông dân thông qua việc đầu tư giống (tạo các giống mới có năng suất cao), đầu tư phân bón, cơ giới hóa nông nghiệp (từ khâu làm vườn cho tới khâu tưới tiêu). Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người nông dân trong việc trồng, chăm sóc cây để có chất lượng tốt nhất và năng suất cao nhất. Hướng dẫn quy trình chăm sóc cây theo kỹ thuật thân thiện với môi trường. Qua đó năng suất của người nông dân được tăng lên rất nhiều. Trước đây chỉ khoảng 1,9 tấn/ha thì nay đã lên đến 2,8 tấn/ha. Chất lượng thuốc lá được nâng lên dẫn đến lợi nhuận của người nông dân tăng rất cao. Sau khi thu hoạch sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm nguyên liệu thuốc lá của người nông dân thông qua hợp đồng thu mua ký từ đầu vụ, kết hợp với chính quyền địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng (đầu tư và cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, dạy nghề trồng thuốc lá cho nông dân, trồng rừng).


Bên cạnh đó, Liên doanh đã trồng khảo nghiệm thành công các loại giống thuốc lá lai, với năng suất và chất luợng cao hơn các giống cũ nhằm dự phòng, vào thời điểm phù hợp sẽ chuyển giao cho nông dân trồng đại trà. Đồng thời, liên doanh đã chuyển đổi thành công hàng trăm lò sấy sử dụng củi sang sử dụng vỏ trấu. Hiện liên doanh đang xây dựng thí điểm lò sấy bằng năng lượng mặt trời để thay thế cho lò sấy truyền thống, nâng cao chất lượng nguyên liệu, giảm công lao động và thân thiện hơn với môi trường.


Thông qua mô hình đầu tư gắn kết với trách nhiệm xã hội, phương thức đầu tư nguyên liệu của Tổng công ty đã góp phần xây dựng và phát triển vùng trồng nguyên liệu trong nước theo hướng tập trung, chuyên canh, đưa cây thuốc lá trở thành cây đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, trở thành cây xóa đói giảm nghèo trong chương trình quốc gia, dạy nghề người nông dân; phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng.

Cũng theo đánh giá của ông Vũ Văn Cường, đề án phát triển vùng trồng nguyên liệu từ nay đến năm 2020 tầm nhìn 2030 sẽ tập trung vào việc phát triển và cung cấp cho sản xuất trong nước, tiến tới xuất khẩu. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho toàn ngành trong đó cần đẩy mạnh giải pháp liên kết “bốn nhà” để hình thành các vùng nguyên liệu bền vững, hiệu quả cao.

Ánh nắng hoàng hôn trải thảm vàng trên những cánh đồng thuốc lá thật đẹp, như cởi bỏ tất cả những nỗi vất vả, nhọc nhằn mà người nông dân nơi đây nếm trải. Chia tay mảnh đất Gia Lai đầy nắng gió, những đôi mắt sáng ngời và nụ cười bình yên tươi hơn màu nắng của họ vẫn như in trong tâm trí chúng tôi. Và chúng tôi tin nghị lực, lòng quyết tâm sắt đá sẽ tiếp tục giúp họ vượt qua những thử thách đang đợi chờ phía trước.


Nguồn: moit.gov.vn