Ngành cơ khí Việt Nam đến nay chỉ mới làm chủ được các thiết bị có hàm lượng công nghệ vừa phải như thiết bị cơ khí thủy công, cơ khí phục vụ nông, lâm ngư nghiệp và công nghiệp chế biến nông-lâm- thủy sản,… Thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí phát triển, song các ưu đãi này cho đến nay vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.


Nếu tính theo giá trị, năm 2014 ngành Cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu toàn quốc và không đạt so với mục tiêu 45-50% theo Kết luận 25 của Bộ Chính trị. Nguyên nhân là do ngành Cơ khí cho đến nay vẫn nặng về khâu lắp ráp, các khâu quan trọng như nghiên cứu thiết kế chưa được quan tâm đầu tư.


Theo Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghiệp Quang Trung: Thực ra chủ trương lớn nhưng đầu tư hạn chế và khi hạn chế thì không thể phát triển được. Trước đây những cần cẩu giống như công ty sản xuất thường phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng đến nay, phần lớn đã được Công ty nội địa hóa hơn 90%, nên đã giảm đáng kể về giá thành. Thực tế nhiều dự án thủy điện lớn đều sử dụng các sản phẩm này. Tuy nhiên, để phát triển và cạnh tranh được với các nước trong khu vực, nhà nước nên tập trung nguồn lực để đầu tư.


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 8 chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm được Chính phủ tập trung đầu tư gồm: Thiết bị toàn bộ; Máy động lực; Cơ khí phục vụ Nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp chế biến; Máy công cụ; Cơ khí xây dựng; Cơ khí đóng tàu; Thiết bị kỹ thuật điện, điện tử; Cơ khí ôtô, cơ khí giao thông vận tải thì phần lớn các ngành đều không đạt mục tiêu đề ra. Duy nhất sản phẩm thiết bị điện được đánh giá cơ bản đáp ứng mục tiêu. Theo nhiều nhà phân tích, một trong những rào cản đó là chất lượng sản phẩm cơ khí trong nước còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại của các chủ đầu tư.
Thực tế cho thấy, phần lớn các chủ đầu tư đều có tâm lý muốn sử dụng hàng nhập khẩu dù giá cao hơn nhưng bù lại chất lượng đảm bảo. Điều này dẫn đến sự trồi sụt của ngành cơ khí trong nước, khiến cho nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất theo kiểu lắp ráp, các khâu còn lại như thiết kế và chế tạo khuôn mẫu gần như không được quan tâm đầu tư.


Đại diện Bộ Công Thương cho biết, năm 2014, giá trị xuất khẩu ngành Cơ khí đạt hơn 15 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu lại trên 26,5 tỷ USD. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất, những sản phẩm được các doanh nghiệp trong nước sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng, giá cả cạnh tranh thì có thể xem xét biện pháp hạn chế nhập khẩu. Đặc biệt khi vay vốn để làm các dự án, trong quá trình thương thảo về tỷ lệ nội địa hóa có thể để doanh nghiệp trong nước sản xuất.


Theo Hiệp hội cơ khí Việt Nam, hiện Hiệp hội đang kiến nghị để xây dựng Luật cho các hiệp hội ngành hàng để làm rõ vai trò, cũng như trách nhiệm của các hiệp hội. Còn nếu cứ để cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước tự phát, tự cạnh tranh trong bối cảnh sức mạnh nội tại, công nghệ, vốn còn thấp, thì ngành cơ khí sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi hội nhập đã và đang đến gần.


Với các hiệp định thương mại đã và sắp ký kết, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trong thời gian tới có thể được nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ, cạnh tranh hơn nhiều so với máy móc sản xuất trong nước. Trong khi đó với nguồn lực về vốn và công nghệ còn hạn chế, chúng ta mới chỉ tập trung vào khâu lắp ráp chứ chưa chú trọng vào đầu tư thiết kế, trong khi đây là một khâu quan trọng. Còn 5 năm nữa để hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, do đó việc đẩy mạnh các chính sách chung đang trở nên cấp bách…

 

ARID