Các doanh nghiệp (DN) ngành mây tre đan của VN đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất. Điều này đòi hỏi phải nhập khẩu phần lớn nguồn mây tre thô từ Lào và Campuchia.


Theo thống kê, hiện nay ba nước thuộc khu vực Đông Dương đang cung ứng đến 90% sản phẩm cho ngành thương mại mây toàn cầu với tổng doanh số lên đến khoảng 210 triệu USD/năm. Mặc dù vậy, hoạt động này đang diễn ra cầm chừng, do nguồn nguyên liệu trong khu vực đang ngày càng thu hẹp.


Các DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc từ mây tre đan của VN chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc. Đây cũng là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu cho một số cơ sở sản xuất các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, không ít DN ở khu vực này đang hoạt động hết sức cầm chừng và không dám ký các hợp đồng thương mại lớn, thậm chí nhiều cơ sở đối mặt với việc đóng cửa sản xuất. Nguyên nhân chính là do khó có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, giá thành cao. TS Vũ Quế Anh - Quản lý Dự án Mây Việt Nam của WWF (Tổ chức bảo vệ động thực vật hoang dã thế giới) cho biết "Những nhà sản xuất và kinh doanh trong ngành công nghiệp mây nhận thức rất rõ là nguồn mây ở VN đang suy giảm đáng kể vì nhu cầu ngày càng cao và khai thác không bền vững. Những loài mây quan trọng hiện giờ rất hiếm và thường xuyên phải mua nhập khẩu từ Lào. Các nhà sản xuất mây ở miền Nam Việt Nam đã bắt đầu ký hợp đồng phụ với các nhà sản xuất ở phía Bắc hoặc phải dừng hoạt động".


Số liệu từ WWF cho biết, khoảng 90% sản lượng mây ở Đông Dương được khai thác từ rừng tự nhiên. Chính những hoạt động khai thác bừa bãi, không theo quy hoạch đang khiến cho khu vực này đối mặt với tình trạng suy giảm số lượng về nguồn cung ứng mây nội địa. Việc khai thác quá mức làm cạn kiệt nguồn thu nhập quan trọng cho người dân địa phương, làm giảm động lực bảo vệ rừng khỏi việc chuyển đổi và sử dụng đất không bền vững. Có tới 55% mây thu hoạch bị lãng phí trong quá trình cung ứng, từ giai đoạn trước chế biến cho tới giai đoạn cuối cùng trong quá trình sản xuất.


Đứng trước thách thức này, một số địa phương ở Việt Nam đã chú trọng công tác khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới cây mây nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững. Mới đây, WWF đã tổ chức một đoàn DN Việt Nam sang tìm hiểu hợp tác mô hình quản lý mây bền vững dựa vào cộng đồng tại huyện Khamkeut (Lào). Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn mới chỉ ở bước đầu, nguồn nguyên liệu sản xuất chính cho các DN hiện tại vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Đáng nói là, hầu hết các DN này vẫn chưa có sự chú trọng đến vấn đề nguồn gốc nguyên liệu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững mà còn giảm khả năng cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới ngày một chú trọng hơn đến vấn đề bảo đảm an toàn sinh thái tự nhiên như hiện nay.
 

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử