Theo Bộ Công Thương, về sản xuất máy móc cơ giới hóa trong nông nghiệp, ngành công nghiệp cơ khí trong nước chỉ chiếm khoảng 30% thị phần trong nước, 60% là máy nhập khẩu của Trung Quốc. Số còn lại là nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ví dụ, máy gặt đập liên hợp, trong số 15 doanh nghiệp (DN) cả nước có sản phẩm này thì chỉ có 3 DN có công suất khoảng 1.000 chiếc/năm. Về máy cấy, thì hiện cả nước mới chỉ có khoảng 2.400 chiếc, đa số là máy nhập khẩu. Trong khi đó, để đáp ứng cơ bản cơ giới hóa trong khâu cấy, cả nước sẽ cần tới trên một trăm nghìn chiếc máy. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa cũng chỉ tập trung chủ yếu ở một số khâu như làm đất, bơm tưới, tuốt đập, vận chuyển và xay xát còn các khâu như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch có mức độ cơ giới hóa rất thấp, phần lớn vẫn là lao động thủ công.


Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ giới hóa còn yếu là do đầu tư cho nông nghiệp nông thôn còn quá thấp. Quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ, giá máy kéo, máy nông nghiệp còn quá cao so với thu nhập của người nông dân; trình độ sản xuất công nghiệp, cơ khí chế tạo máy nước ta còn nhiều hạn chế. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp.


Cũng theo Bộ Công Thương, để nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần có các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển ngành cơ khí nông nghiệp và đào tạo lao động cho ngành nghề này. Theo đó, bên cạnh việc khuyến khích đầu tư vào các dự án chế tạo máy nông nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ các cơ sở chế tạo máy móc nông nghiệp hiện có để nâng cấp công nghệ chế tạo, nhất là công nghệ luyện kim và đúc kim loại; mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chú trọng khuyến khích hơn nữa công tác nghiên cứu – phát triển và thực hiện tốt sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm máy móc thiết bị nông nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ thích đáng và có hiệu quả cho các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp Việt Nam để họ đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất và mở rộng thị trường.


Thống kê mới nhất cho thấy, trang bị động lực cho sản xuất nông nghiệp bình quân cả nước mới chỉ đạt 1,6 mã lực /ha, chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/5 Trung Quốc… Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 2,8 triệu hộ làm nông nghiệp, nhưng trung bình 62 hộ dân mới có một máy kéo hoặc máy nông nghiệp.


CTV