Hoạt động khuyến công nhằm mục tiêu: Động viên và huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của cả nước và từng địa phương; Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, trước hết là công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội.  Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên cả nước được đánh giá là đã bám sát mục tiêu, chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020; phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển và lợi thế của từng địa phương. Nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và được đánh giá cao, như: Đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp…

Thông qua các hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT xác định đúng hướng đầu tư, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững và dần từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tổ chức thực hiện các đề án khuyến công, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, đạt hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách khuyến công, trong năm 2018 Bộ Công Thương đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động khuyến công: Ngày 10/7/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/2013 quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia; ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28/6/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28/8/2014 quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công nhằm làm rõ hơn các quy định của hoạt động khuyến công và đồng bộ với các thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khuyến công; đồng thời để các đơn vị thực hiện và đối tượng thụ hưởng thuận lợi hơn trong việc áp dụng, triển khai cũng như tăng tính khích lệ, hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo đó, hoạt động khuyến công đang hướng tới tập trung xây dựng đề án khuyến công quốc gia mang tính trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương, với mức hỗ trợ đủ lớn, thực hiện trong nhiều năm để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tích cực tham gia chương trình khuyến công. Năm 2018 là năm đầu tiên Chương trình khuyến công quốc gia triển khai một số đề án khuyến công điểm tại một số địa phương trên cả nước, như: Đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trong cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ, huyện Yên Phong phát triển sản xuất giai đoạn 2018 - 2020” của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh; Đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018 - 2020” của Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa; Đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020” của Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng; Đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 - 2020” của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước; Đề án “Hỗ trợ phát triển ngành dệt may trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2018 - 2020” do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công Thương địa phương.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế là mục tiêu của hoạt động khuyến công. Việc xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm thực hiện trong nhiều năm; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợpvới tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương là định hướng, mục tiêu và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa của công tác khuyến công, điểm tựa vững chắc cho phát triển CNNT.


Arit