Theo đề án phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Đồng Nai giữ quy hoạch 27 CCN với tổng diện tích gần 1.500 ha và xóa khỏi quy hoạch 13 CCN có diện tích gần 619 ha. Khó kêu gọi xây dựng hạ tầng


Hiện Đồng Nai mới có hai CCN cơ bản đầu tư hoàn thành hạ tầng là CCN vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), CCN gốm Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa) và hai CCN đang triển khai đầu tư hạ tầng là Phú Cường (huyện Định Quán), Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch). Hiện vẫn còn 14 CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng.


Nguyên nhân khiến nhiều CCN khó thu hút  đầu tư là vì mức hỗ trợ còn quá thấp, chỉ khoảng 10 tỷ đồng/cụm (chính sách hỗ trợ cũng chỉ có CCN Phú Cường được ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng lập quy hoạch chi tiết xây và đầu tư hạ tầng kỹ thuật). Việc triển khai đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho CCN còn hạn chế; nhiều CCN gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng do thiếu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Do kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN. Vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được chú ý trong quá trình xây dựng nên hầu hết các CCN chưa có hệ thống xử lý môi trường.


Bên cạnh đó, một số CCN đã có các doanh nghiệp hoạt động nhưng vẫn nằm trong tình trạng hạ tầng kém. Phần lớn các CCN trên địa bàn tỉnh hình thành khi chưa có quy hoạch phát triển CCN của tỉnh, do đó, việc phát triển các CCN thiếu định hướng lâu dài dẫn tới hiệu quả sử dụng đất chưa cao; thiếu gắn kết với các quy hoạch về điện, giao thông, nước, đào tạo nghề… Nhiều CCN không thống nhất được phương thức huy động vốn đầu tư hạ tầng nên tình trạng hạ tầng kém kéo dài, thậm chí phải hủy bỏ quy hoạch vì không có chủ đầu tư hạ tầng. Hạ tầng bên ngoài CCN trên địa bàn hiện còn nhiều hạn chế, chưa có đường giao thông, cấp thoát nước…

 

Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào CCN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong CCN đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện gặp khó khăn về nguồn vốn nên mặc dù đã đăng ký dự án từ rất sớm nhưng có những doanh nghiệp hiện vẫn phải “bỏ cuộc”. Một số CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng nhưng chậm triển khai do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Việc các hộ dân sống tại phần đất thuộc quy hoạch CCN chưa đồng thuận về giá cả đền bù… đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng CCN. Đặc biệt, các địa bàn như: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ là những địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa nên công tác thu hút đầu tư gặp khó khăn, không hấp dẫn các nhà đầu tư hạ tầng CCN. Tình trạng kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện cũng dẫn đến kết quả thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN còn rất hạn chế; hạ tầng bên ngoài các CCN còn bất cập, chưa có đường giao thông, cấp thoát nước… Một điều trở ngại nữa là, các thủ tục về đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng còn nhiều vướng mắc cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư hạ tầng các CCN.


Xây dựng chính sách để thu hút


Mục tiêu của Đồng Nai là quy hoạch các CCN dành cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung phát triển hạ tầng CCN kết hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành, có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với các CCN để thu hút các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực và công nghiệp hỗ trợ.


Bên cạnh việc thực hiện các chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ ngoài hàng rào CCN sẽ tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích và thu hút đầu tư vào CCN. Có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn từ ngân sách cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các CCN. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, các chủ đầu tư CCN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo tiến độ của dự án. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính: Cấp giấy chứng nhận đầu tư, các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng và môi trường… cũng được coi là giải pháp quan trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN


Trước tình hình thực tế đó, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã  kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm xem xét và trình thông qua dự thảo “Đề án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016- 2020” để làm căn cứ pháp lý triển khai hỗ trợ đầu tư CCN. Có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp di dời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào CCN.


Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công Thương đề xuất tỉnh hỗ trợ các CCN hoàn thiện nhanh cơ sở hạ tầng nhằm tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc diện di dời khỏi các khu đô thị các khu dân cư tập trung, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó,  giúp 4 huyện khó khăn được ứng trước tiền bồi thường cho 4 CCN để thu hút nhà đầu tư, sau đó có nhà đầu tư sẽ thu hồi dần trả lại ngân sách.


Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thống nhất theo đề xuất và ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 20 tỷ đồng cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật một CCN. Ngoài ra, ngân sách Tỉnh cũng ứng trước 240 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sau đó sẽ thu hồi thông qua tiền thuê đất của doanh nghiệp. Tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngân sách cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các CCN thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và công nghiệp chậm phát triển. Tùy điều kiện cụ thể, các huyện, thị xã và thành phố Biên Hòa chủ động dành một phần ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng ngoài hàng rào CCN.


Ngoài ra, Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu rà soát, điều chỉnh và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.


CTV