Quy hoạch Công nghiệp địa phương
Bằng nhiều hoạt động hỗ trợ như đào tạo nguồn lao động, hỗ trợ liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường… Ninh Bình đang dần giúp một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh thoát dần nguy cơ bị mai một.

Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Nình Bình cho thấy: Tính đến hết năm 2013, Ninh Bình có 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Nhiều làng nghề của tỉnh có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, chiều hướng phát triển tốt và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Các làng nghề này chủ yếu thuộc nhóm: Chế tác đá mỹ nghệ; thêu ren; mộc mỹ nghệ; nghề cói; nghề gốm…


Theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình: Do các làng nghề này đều có từ 1- 2 cơ sở, doanh nghiệp đầu mối, cung cấp đơn hàng, bao tiêu sản phẩm vì vậy hoạt động rất ổn định. Doanh thu bình quân đạt 17,6 tỷ đồng/làng, người lao động cũng đạt mức thu nhập 2,2 triệu đồng/người/tháng. Thậm chí, lao động làm việc tại các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, gốm, mộc mỹ nghệ, nề xây dựng có thu nhập tương đối cao đạt 4-5 triệu đồng/người /tháng.


Tuy nhiên, bên cạnh những làng nghề giữ được sức phát triển, còn một số làng nghề hoạt động cầm chừng, có phần suy giảm. Các làng nghề này thuộc nhóm sản xuất bún, mây tre đan… Đặc biệt, có 3 làng nghề đã tạm dừng hoạt động là: Làng nghề sản xuất cốt chăn bông Nhân Lý (huyện Hoa Lư), làng nghề chẻ tăm hương Thần Lũy 2 (huyện Nho Quan) và làng nghề chẻ tăm hương Văn Hà (huyện Gia Viễn).


Ông Hoàng Trung Kiên cho rằng: Hoạt động của các làng nghề giảm sút chủ yếu là do chưa hình thành được các doanh nghiệp, cơ sở đầu mối lớn có đủ khả năng cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm làng nghề. Theo đó, nguồn hàng không ổn định, giá nguyên liệu tăng cao, giá nhân công thấp khiến thu nhập sụt giảm nhiều, lao động làng nghề chuyển dần sang hoạt động ở các lĩnh vực khác. Đối với các làng mây tre đan trên địa bàn huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh phát triển tự phát, sản xuất các sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày như: Thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, giỏ, cót quây... Vì vậy, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngày một khó, quy mô và số lao động làm nghề giảm sút.


Ngoài ra, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề chưa thỏa đáng kém thu hút được các nguồn lực đầu tư phát triển. Hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng đạt yêu cầu, giao thông đã xuống cấp, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ, mặt bằng sản xuất chật hẹp...


Cũng theo ông Hoàng Trung Kiên: Nhằm hỗ trợ cho các làng nghề vượt khó, tận dụng tiềm năng để phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lực lượng lao động khu vực nông thôn. Đặc biệt là bảo tồn ngành nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm đặc sản của địa phương để phục vụ phát triển du lịch, Sở Công Thương tỉnh sẽ hỗ trợ cho các làng nghề tiếp cận sâu hơn nữa chính sách hỗ trợ của nhà nước như chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại. Ưu tiên cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề sản xuất sản phẩm truyền thống có thế mạnh của tỉnh như làng nghề sản xuất chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ...


Tăng cường công tác đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn thông qua các chương trình, đề án khuyến công; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề, cải tiến mẫu mã sản phẩm nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của làng nghề. Xây dựng liên kết giữa cơ sở sản xuất làng nghề với các doanh nghiệp thương mại lớn của tỉnh, để tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức đặt hàng. Hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp làm đầu mối trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm làng nghề.


Bảo Ngọc