Để tiếp tục nâng cao chất lượng cho công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, trong năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cho hoạt động phát triển thiết kế mẫu mã. Tập trung thực hiện các hoạt động nhằm tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm, kết nối cung - cầu nguyên liệu ngành thủ công mỹ nghệ.

Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức trao tặng danh hiệu và Giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” năm 2017 cho 31 bộ sản phẩm và sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tham gia bình chọn trên địa bàn Thành phố. Các sản phẩm được công nhận hầu hết thuộc các nghề thủ công truyền thống đang phát triển mạnh  như: Sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, mây tre giang đan, cỏ tế, gốm sứ.

Theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, mục đích bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy CNNT phát triển.

Thực tế qua nhiều năm triển khai, sản phẩm CNNT tiêu biểu của Thành phố có sự thay đổi đáng kể. Bên cạnh số lượng sản phẩm tham gia bình chọn năm sau nhiều hơn năm trước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chú trọng hơn về chất lượng với những sản phẩm có sự đồng bộ cao, màu sắc đẹp và kiểu dáng độc đáo. Bản thân cơ sở CNNT có sản phẩm tham gia bình chọn cũng ý thức rõ ràng về vấn đề này.

Ghi nhận từ các đơn vị tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cũng cho thấy, công tác bình chọn được tổ chức công khai, minh bạch, đặc biệt là sản phẩm được nhận sự hỗ trợ một cách toàn diện đã hấp dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia.
Theo đó, ngoài những chế độ hỗ trợ riêng, sản phẩm CNNT tiêu biểu còn được nhận nhiều ưu đãi từ các chương trình phát triển làng nghề chung, như: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện các chính sách, cơ chế đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho các cơ sở, mở rộng cho vay ngoại tệ…

Cụ thể, từ các nguồn kinh phí: Khuyến công,… năm vừa qua Thành phố tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho khoảng 30.000 lao động; tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho 100 chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất; hỗ trợ 480 cơ sở, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; thực hiện 10 dự án đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp CNNT…

Thành phố còn đặc biệt ưu tiên phát triển thị trường cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu. Thay vì tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi thông tin hiệu quả không cao, Hà Nội đã lập danh sách các doanh nghiệp và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu gửi cho nhà nhập khẩu. Thành phố cũng đã tổ chức kết nối doanh nghiệp sản xuất với nhà nhập khẩu thông qua kênh Đại sứ quán và Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, kết nối doanh nghiệp thông qua chương trình liên kết giữa các vùng miền trên cả nước.

Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, được bình chọn và công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu là cơ hội và điều kiện cần cho việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân của thành phố. Do đó các lao động lành nghề, thợ giỏi cần chú ý hơn tới việc tham gia bình chọn nhằm giới thiệu sản phẩm, cũng như được ghi nhận xứng đáng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cho công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, trong năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể. Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ khoảng 35 - 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ quốc tế ngành thủ công mỹ nghệ tại nước ngoài: Singapore, Đức hoặc Pháp và Hồng Kông; tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 với quy mô khoảng 650 gian hàng…


Bảo Ngọc