Thực hiện Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015; hàng năm Bộ Công Thương có công văn hướng dẫn các địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn đề xuất vốn ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ có mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.

 

Căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương, các địa phương đã báo cáo đề xuất danh mục CCN (kèm theo hồ sơ hỗ trợ hạ tầng CCN trên địa bàn), gửi Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính). Trên cơ sở báo cáo đề xuất của địa phương, Bộ Công Thương đã tổng hợp, thẩm định và lựa chọn các CCN có đủ điều kiện để hỗ trợ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất danh mục CCN đề nghị NSTW hỗ trợ đầu tư hạ tầng hàng năm và giai đoạn 2013-2015.


Theo Quyết định 60/2010/QĐ-TTg, định mức hỗ trợ tối đa của NSTW đầu tư hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn như sau: Đối với các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên (bao gồm các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An) với mức tối đa 6 tỷ đồng/cụm và 70 tỷ đồng/tỉnh; Đối với các tỉnh có điều kiện KT-XH khó khăn còn lại, mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/cụm và 50 tỷ đồng/tỉnh.


Kết quả đạt được của cơ chế hỗ trợ hạ tầng CCN


Thực hiện Quyết định 60/2010/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2011-2015 NSTW đã đầu tư 408 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 81 CCN tại 32/45 địa phương  thuộc đối tượng của chương trình; bình quân 5 tỷ đồng/cụm  và 12,75 tỷ đồng/tỉnh.
Việc thực hiện cơ chế hỗ trợ hạ tầng CCN từ NSTW thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cố gắng của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp nói chung, phát triển CCN nói riêng; từ đó, giúp cho các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) ở khu vực nông thôn tiếp cận được mặt bằng thuận lợi, ổn định để đầu tư sản xuất kinh doanh.


Mặc dù chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ quy trình phối hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ hạ tầng CCN nhưng Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương đề xuất thực hiện. Trong phân bổ vốn NSTW hỗ trợ CCN (từ năm 2012 đến nay) đã ghi rõ tên từng CCN, giúp các địa phương có cơ sở phân bổ tiếp đến đúng đối tượng quy định. Về phía các địa phương, đã có sự phân công, phối hợp giữa các Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngành, đơn vị có liên quan trong xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn và triển khai thực hiện sau khi được ghi vốn hỗ trợ.


Tuy kinh phí hỗ trợ chưa được nhiều nhưng bước đầu đã góp phần tích cực cùng ngân sách địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng tháo gỡ khó khăn về vốn để đầu tư một số hạng mục hạ tầng thiết yếu, nhanh chóng thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.


Một số tồn tại, hạn chế


Định mức NSTW hỗ trợ tối đa như quy định tại Quyết định 60/2010/QĐ-TTg  (06 tỷ đồng/01 CCN vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên; 05 tỷ đồng/01 CCN các địa phương khó khăn còn lại) là quá thấp so với nhu cầu thực tế vốn đầu tư hạ tầng CCN hiện nay. 


Phần lớn các CCN hiện có của các tỉnh, thành phố được hình thành từ trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực nên nhiều CCN không đáp ứng các điều kiện quy định của chương trình (như thiếu các Quyết định thành lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng,...). Mặt khác, hiện nay thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, các CCN phải có thẩm định nguồn vốn NSTW thì mới được bố trí vốn hỗ trợ. Vì vậy rất nhiều CCN đang đầu tư dở dang không đáp ứng điều kiện này.


Tổng cân đối NSTW hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN tại các địa phương giai đoạn 2011-2015 là thấp (chỉ 408 tỷ đồng, chiếm 15% so với định mức tối đa) và bố trí còn dàn trải, nhỏ giọt. Trong 32 địa phương đã được thụ hưởng, chưa có địa phương nào được NSTW bố trí đủ định mức; vẫn còn 13 địa phương chưa được thụ hưởng từ chương trình hỗ trợ có mục tiêu đầu tư hạ tầng CCN (gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Cà Mau).


Từ kết quả đạt được và những tồn tại trên thực tế triển khai cho thấy, với sự hỗ trợ của NSTW đã giúp cho một số CCN được đầu tư hạ tầng thiết yếu, từ đó nhanh chóng thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hỗ trợ còn quá thấp, vì vậy Chính phủ, Bộ Công Thương cần tiếp tục quan tâm và tăng cường hơn nữa hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN đối với các địa phương có điều kiện KT - XH khó khăn để giúp nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn hiệu quả, bền vững.

 


Nguyễn Thị Hoa (P. Quản lý cụm công nghiệp, Cục CNĐP)