Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, sản phẩm hàng hóa nông sản và tiểu thủ công nghiệp của Hòa Bình những năm qua ngày càng tăng về sản lượng và chất lượng. Bước đầu Hòa Bình đã hình thành vùng chuyên canh tập trung tạo thành hàng hóa cung cấp cho thị trường và phục vụ chế biến nông sản. Nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động như: chổi chít, rượu cần, mây giang đan, dệt thổ cẩm, mộc.

Phát triển thị trường còn nhiều lúng túng

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mai Hồ, phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hòa Bình, khó khăn nhất của Hòa Bình hiện nay là việc phát triển thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài một số sản phẩm như ngô, sắn được tiêu thụ tốt ở trong và ngoài tỉnh nhưng vẫn ở dạng nguyên liệu thô là chính, còn lại hầu hết các sản phẩm giá trị như Rượu cần Hòa Bình, chổi chít, rượu cao xương ngựa bạch, chè Shan tuyết, mây tre đan vẫn đang tìm thị trường. Nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng như mía tím Hòa Bình, cam Cao Phong vẫn bán lẻ là chủ yếu, nhiều mặt hàng rau sạch vẫn chưa có thương hiệu. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ bé, trình độ kỹ thuật và năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển chưa cao. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chưa có các sản phẩm mũi nhọn mang tính chiến lược lâu dài. Khả năng tiếp cận với nền sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao còn hạn chế. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển chậm, vốn đầu tư thấp; cơ cấu, chủng loại sản phẩm nghèo nàn, thiếu đa dạng; mẫu mã, kiểu dáng đơn điệu, chậm đổi mới, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, cạnh tranh kém, tiêu thụ khó khăn. Thu nhập của người lao động chưa ổn định. Nhiều cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề chưa có quy hoạch, trình độ quản lý yếu, thiếu tính liên kết. Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, hệ thống chợ ít được quan tâm đầu tư nên hạn chế nhiều đến lưu thông hàng hóa. Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường còn thụ động, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ nên triển khai chưa kịp thời. Cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất và xúc tiến thương mại còn hạn chế.

Cần chú trọng những mặt hàng thị trường có nhu cầu

Hầu hết các địa phương đều kiến nghị Nhà nước có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, ưu tiên vay vốn, quản lý thị trường chống hàng nhái hàng giả để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, có chính sách khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. Về vấn đề này, Tiến sỹ Lê Hoàng Oanh – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh các giải pháp về sản xuất, Hòa Bình cần đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp phát triển thị trường. Cụ thể là phải tăng cường xúc tiến thương mại thông qua các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để thiết lập quan hệ bạn hàng. Thực hiện liên kết với các Hiệp hội để tranh thủ sự hỗ trợ, tìm giải pháp tối ưu trong việc khai thác, xử lý nguyên liệu; bảo quản, tìm thị trường cho sản phẩm. Tăng cường liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà kinh doanh) trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể vùng sản xuất, vùng nguyên liệu. Khuyến khích đưa công nghệ mới vào khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, tận dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động địa phương, kết hợp với du lịch để quảng bá sản phẩm. Tiến sỹ Nguyễn Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cũng khẳng định: tỉnh cần đặc biệt chú trọng nhóm giải pháp gắn kết sản xuất với thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được thông tin, giói thiệu được sản phẩm và năng lực của mình, xây dựng mối liên kết thực sự với các Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn, gắn kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Chú ý sản xuất những mặt hàng thị trường cần chứ không chỉ sản xuất những mặt hàng địa phương có. Tạo vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao chất lượng đầu vào, đẩy mạnh hoạt động khuyến công để hỗ trợ phát triển sản xuất. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ tài chính, tiếp cận thị trường, tiếp cận với các tổ chức tư vấn và chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng như ISO 9000, HACCP, GMP, ISO 14000..., dịch vụ thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu... Đặc biệt chú trọng xây dựng những dự án dài hơi, quy mô lớn về phát triển nông sản, tiểu thủ công nghiệp để làm bàn đạp phát triển cả vùng Tây Bắc sau này. Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường, đó là phải có đội ngũ họat động XTTM am hiểu sâu rộng, trình độ ngoại ngữ tốt để giao dịch trực tiếp. Thực hiện các chương trình XTTM phải có trọng điểm, chú trọng đến những mặt hàng chủ lực, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền điạ phương.

Theo ông Bùi Văn Tỉnh - chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, để việc tìm thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản tiểu thủ công nghiệp, các Sở, ban ngành trong tỉnh cần khẩn trương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu, có kế hoạch thúc đẩy kêu gọi đầu tư theo hướng chuyên canh tập trung, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo phát triển bền vững môi trường. Chú trọng công nghiệp chế biến, nghiên cứu sản xuất những mặt hàng độc đáo (ví dụ, sản xuất nước giải khát từ mía tím). Gắn kết việc XTTM với thu hút du lịch, xây dựng trung tâm mua sắm trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình để mở rộng cánh cửa thương mại giữa Hà Nội- Hòa Bình và các tỉnh khác. Các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tạo mối liên kết, nhất là liên kết hợp tác với Hà Nội trong các lĩnh vực phát triển công nghiệp chế biến, phát triển du lịch, tiêu thụ rau sạch, nước sạch...

Ngọc Loan