Để tiếp tục khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), nâng cao chất lượng của hoạt động khuyến công, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách làm cơ sở hành lang pháp lý cho hoạt động này.

 

Nghị định 45/2012/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách khuyến công; ưu tiên hỗ trợ theo địa bàn và theo ngành nghề; quy định chế độ đối với cộng tác viên khuyến công... Kèm theo đó làcác thông tư hướng dẫn để việc triển khai nghị định của Chính phủ về khuyến công được thuận lợi đã ra đời. Mới đây, Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014). Nhờ đó, hoạt động khuyến công được thuận lợi, có điều kiện đóng góp tích cực hơn vào phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên thực tế vẫn còn có những nội dung hoạt động khuyến công chưa đạt hiệu quả như mong muốn; số lượng đề án có quy mô lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng chưa nhiều; số cơ sở CNNT tham gia các hoạt động khuyến công chưa tương xứng với tình hình phát triển CNNT ở các địa phương …


Một trong các nguyên nhân đó là: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tham gia hoạt động khuyến công; công tác xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công của địa phương còn nhiều hạn chế; công tác xây dựng kế hoạch và đề xuất các đề án khuyến công còn hạn chế, chất lượng không cao; việc xác định những ngành nghề, sản phẩm CNNT tại các địa phương để tập trung hỗ trợ phát triển chưa được rõ nét, dẫn đến các đề án không đúng nội dung chương trình; sự phối hợp trong việc xét duyệt hỗ trợ còn chậm, ... Hơn nữa, mạng lưới khuyến công từ cấp huyện đến cấp cơ sở để tham mưu xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án khuyến công chưa có; một số đề án được tổ chức triển khai nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao, chưa có tác dụng kích thích, lôi kéo cơ sở CNNT tham gia...


Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, thúc đẩy hoạt động khuyến công, thời gian tới, các hoạt động khuyến công cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công để các cơ sở CNNT tích cực chủ động tham gia, thụ hưởng; xây dựng hệ thống khuyến công từ huyện đến cơ sở, xây dựng lực lượng cộng tác viên khuyến công có tâm huyết, nhiệt tình; tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên đề về công tác khuyến công cho đội ngũ làm công tác khuyến công nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề CNNT và các làng nghề TTCN trên cơ sở đào tạo nghề, đào tạo thợ giỏi, nghệ nhân, nâng cao năng lực quản lý; tăng cường dịch vụ tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở CNNT trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và có hiệu quả; chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên cơ sở cải tiến, phát huy công nghệ hiện hữu và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới.


Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm trên website, bản tin ngành Công Thương. Tạo điều kiện cho các cơ sở tham quan học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường. Tổ chức các buổi hội thảo về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường, công nghệ kỹ thuật mới,… để trao đổi, phổ biến, nghiên cứu áp dụng vào các cơ sở CNNT. Ngoài ra, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan trong triển khai hoạt động khuyến công; nghiên cứu và triển khai công tác khuyến công phù hợp thực tế của từng địa phương…


Ngọc Loan