Với tổng kinh phí được giao năm 2014 là 86,427 tỷ đồng, hoạt động khuyến công Quốc gia đã hỗ trợ xây dựng được 45 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho 47 cơ sở CNNT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tổ chức đào tạo cho hàng ngàn lao động có tay nghề;...


Theo kế hoạch ngân sách năm 2014, kinh phí khuyến công Quốc gia được giao là 86,427 tỷ đồng, trên cơ sở hồ sơ đề án của các địa phương, cơ quan, đơn vị, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) đã tổng hợp, thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt giao kế hoạch kinh phí khuyến công Quốc gia năm 2014 cho các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện.


Để triển khai thực hiện kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia (KHKPKCQG) năm 2014, Cục CNĐP đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện KHKPKCQG năm 2014. Kết quả thực hiện kinh phí là 70,806 tỷ đồng, đạt 84,87%. Một số kết quả cụ thể như sau:


Phân theo vùng: Vùng Đồng bằng sông Hồng 7,493 tỷ đồng; vùng Đông bắc 9,376 tỷ đồng; vùng Tây bắc 1,924 tỷ đồng; vùng Bắc Trung bộ 4,296 tỷ đồng; vùng Nam Trung bộ 7,869 tỷ đồng; vùng Tây Nguyên 1,42 tỷ đồng; vùng Đông Nam Bộ  6,337 tỷ đồng; vùng đồng bằng sông Cửu Long 8,645 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I  15,239 tỷ đồng; các đơn vị thuộc Bộ 1,955 tỷ đồng; một số đơn vị khác là 21,871 tỷ đồng.


Về hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề, khuyến công quốc gia đã hỗ trợ tổ chức đào tạo cho lao động theo nhu cầu của các cơ sở CNNT với kinh phí hỗ trợ đào tạo là 20,482 tỷ đồng (bằng 67,5 % so với năm 2013). Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%.


Về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: hỗ trợ xây dựng được 45 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới với tổng kinh phí là 10,59 tỷ đồng.


Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho 47 cơ sở CNNT cần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm... Kinh phí hỗ trợ cho các nội dung này là 7,255 tỷ đồng.


Ngoài ra, khuyến công quốc gia đã hỗ trợ 09 đề án tổ chức và hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong và ngoài nước với tổng kinh phí là 9,110 tỷ đồng. Hỗ trợ thực hiện 5 đề án xây dựng thương hiệu với kinh phí là 827,5 triệu đồng; hỗ trợ 3 đề án lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp với tổng kinh phí là 3,350 tỷ đồng.


Năm 2014, Cục CNĐP tiếp tục đưa các nội dung phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình và phát thanh về công nghiệp địa phương. Chuyên mục Khuyến công đã được phát sóng 5 buổi/tuần trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam và 3 buổi/tuần trên kênh VOV3 của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình đã góp phần thông tin được chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp địa phương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương và phản ánh được các chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, ổn định an sinh xã hội trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chương trình cũng là một kênh thông tin để các địa phương có cơ hội trao đổi và học tập lẫn nhau, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý khuyến công trên địa bàn cả nước. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của khán giả xem truyền hình nhất là đối với các doanh nghiêp, các hợp tác xã, làng nghề, các hộ tiểu thủ công nghiệp… góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn và gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.


Hợp tác quốc tế về hoạt động khuyến công: Cục đã tổ chức các đoàn tham quan khảo sát, hợp tác phát triển doanh nghiệp tại Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hồng Kông,… Qua các đợt công tác, Đoàn đã chia sẻ và học hỏi được nhiều kinh nghiệm về chính sách quản lý; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách hỗ trợ, phát triển công nghiệp nông thôn, thúc đẩy quan hệ kinh doanh, hợp tác phát triển thương mại công nghiệp; các chính sách đổi mới công nghệ, thiết bị; hỗ trợ xuất khẩu, nghiên cứu khảo sát mở rộng thị trường xuất khẩu hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kinh nghiệp quản lý và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển khu cụm công nghiệp.


Năm 2014 nhiều văn bản hướng dẫn về triển khai thực hiện hoạt động khuyến công được ban hành và được áp dụng triển khai như: Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12  2013 của Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia; Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương; Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020,… Theo đó, trong quá trình thực hiện, việc triển khai các nội dung hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Quy mô và chất lượng các đề án khuyến công ngày càng được nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn. Công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia đã được cải thiện đáng kể.


Bên cạnh những thuận lợi trên, cũng còn tồn tại một số khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai: Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chế biến suy giảm; nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm là đầu vào của sản xuất như than, điện, dầu thô cũng suy giảm... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp.

  
Nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất công nghiệp tăng cao, tuy nhiên do việc thu xếp khó khăn nên tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất vẫn còn chậm, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra và gây lãng phí các nguồn lực huy động. Từ đó dẫn đến một số cơ sở công nghiệp nông thôn triển khai thực hiện các nội dung của hoạt động khuyến công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặc dù đã có Quyết định điều chỉnh kế hoạch kịp thời nhưng một số doanh nghiệp đến tháng cuối năm không thực hiện đúng tiến độ, do vậy không thể điều chỉnh kinh phí cho đơn vị khác thực hiện được, dẫn đến kinh phí có mà nhiều cơ sở có nhu cầu cần được hỗ trợ thì không được hỗ trợ.


Công tác thẩm định cấp cơ sở đối với đề án đăng ký hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia ở nhiều địa phương còn chưa tốt; hồ sơ thủ tục còn thiếu so với quy định, không xét giao kế hoạch được hoặc khi triển khai thực hiện còn lúng túng. Công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng hồ sơ đăng ký còn yếu, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán kinh phí khuyến công nhìn chung còn chậm so với tiến độ và yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch chung của cả năm.


Nhìn chung hoạt động khuyến công năm 2014 được triển khai mạnh mẽ và đa dạng về nội dung, hình thức, lĩnh vực; công tác khuyến công được mở rộng, chất lượng và hiệu quả ngày càng được khẳng định rõ rệt về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, đồng thời cũng tạo ra mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa các ngành các cấp từ trung ương tới địa phương. Qua đó tạo cầu nối hỗ trợ phát triển giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà nước, doanh nghiệp và thị trường góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.


 P. QUẢN LÝ KHUYẾN CÔNG (ARID)