Vạn Phúc là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời bậc nhất của kinh thành Thăng Long xưa và Thủ dô Hà Nội ngày nay. Tại đây nổi tiếng với nghề ươm tơ duyệt lụa. Thương hiệu lụa Vạn Phúc hay lụa Hà Đông không chỉ làm hài lòng khách hàng trong nước mà còn được rất nhiều bạn bè quốc tế ưa chuộng.

Theo nghệ nhân Phạm Khắc Hà, chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc: Nghề lụa là nghề thủ công, lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Những người thợ thế hệ trước truyền nghề cho thế hệ sau bằng cách cầm tay chỉ việc, giao cho những việc từ dễ đến khó. Qua thời gian, các thợ trẻ sẽ nắm được nghề và thuần thục trong từng thao tác. Nhờ thế mà những tấm lụa thương hiệu Vạn Phúc - Hà Đông xưa, không chỉ bền, đẹp mà còn thấm đẫm tình đất, hồn người dân đất lụa.

Quy định của hiệp hội làng nghề Vạn Phúc là cứ vài ba năm sẽ lần lượt giao cho 1 cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm mở các lớp hướng dẫn nghề và đào tạo nâng cao tay nghề cho lớp thanh niên trẻ tuổi trong làng. Điều này không chỉ giúp duy trì và phát triển làng nghề, mà còn nuôi dưỡng tình yêu với nghề truyền thống hơn nghìn năm tuổi của quê hương.

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ về kinh phí của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương Hà Nội (Trung tâm Khuyến công), Hiệp hội đã tổ chức được các lớp dạy nghề một cách đều đặn, thường niên và quy củ hơn. Mỗi lớp thường có khoảng 30 học viên, là những con em trong làng nghề. Những người đứng lớp giảng dạy chính là các nghệ nhân có uy tín và giàu kinh nghiệm.

Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, cho biết: Chúng tôi được hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công, từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã thường xuyên mở được những lớp đào tạo nghề cho những lớp trẻ, nhất là các cháu thanh niên. Bên cạnh dó, còn mở lớp nâng cao tay nghề cho những người đã biết nghề và lớp dạy nghề sửa chữa máy dệt, đây là việc hết sức cần thiết cho làng nghề Vạn Phúc

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương là cơ sở uy tín trong các mặt hàng từ chất liệu tơ tằm. Năm 2017 vừa qua, thực hiện chương trình khuyến công của Trung tâm Khuyến công và sự thống nhất của Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, cơ sở Đông Hương đã mở lớp đào tạo cắt may các sản phẩm từ lụa tơ tằm cho hơn 30 học viên là con em địa phương. Sau khi tốt nghiệp, gần 20 người đã được nhận vào làm việc ngay tại Công ty. Điều đó cho thấy, vai trò cũng như chất lượng và hiệu quả thực sự của các chương trình khuyến công đối với làng lụa Vạn Phúc.

Bà Nghiêm Thị Thu Hương – Giám đốc Đông Hương cho biết: Có được chủ trương của Trung tâm Khuyến công và Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc đã tạo điều kiện cho chúng tôi mở những lớp để đào tạo và truyền nghề cho lớp thế hệ sau đồng thời tạo điều kiện để thế hệ trẻ có công ăn việc làm, ổn định.

 Theo Ông Đặng Quang Hải - Phó Chủ tịch Phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội:  Ngoài sự hỗ trợ của khuyến công, trong những năm gần đây, chúng tôi đã chỉ đạo Hiệp hội làng nghề kiện toàn lại Hội làng nghề Vạn Phúc, tập chung hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình có nghề dệt lụa trên địa bàn của phường, hỗ trợ kinh phí để các hộ gia đình có điều kiện để đào tạo và mở thêm các mô hình sản xuất hàng chất lượng cao

Hiện nay cả làng nghề Vạn Phúc có 164 hộ sản xuất trong đó có 264 khung dệt được phân bổ cho các hộ sản xuất. Mỗi năm làng lụa sản xuất ra khoảng 1,5 triệu mét vải lụa các loại đem lại doanh thu khoảng 65 tỷ đồng. Làng nghề Vạn Phúc có khoảng 1.100 lao động, trong đó có hơn 400 hội viên và 9 nghệ nhân làng nghề.

Những năm gần đây, một số hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhằm tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như: Tơ tằm sang Đông Âu, một số sang Lào, Thái Lan…

Xưởng dệt lụa của nghệ nhân Đỗ Văn Hiển có 15 chiếc máy dệt luôn chạy hết công suất. Trung bình mỗi ngày cơ sở này dệt được vài trăm mét lụa. Năm 2014 gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Hiển đã được chương trình khuyến công hỗ trợ một phần kinh phí để mua máy đục lỗ làm mẫu hoa văn cho máy dệt.

Giờ đây, với máy này, những mẫu hoa văn được thiết kế nhanh hơn trên máy tính và cho phép tạo những mẫu càng ngày càng đa dạng hơn, phức tạp và đẹp mắt hơn. Chiếc máy còn có khả năng sao chép các mẫu một cách chính xác tuyệt đối và nhanh chóng, phục vụ cho việc dệt đại trà và với số lượng lớn, đồng thời in chìm được thương hiệu trên mép biên mảnh lụa cho các hộ gia đình.

Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển cho biết: Khi được trang bị máy này, khi bản vẽ xong thì máy tính sẽ tự điều khiển máy đục, nó tự đục hoa văn, mình chỉ việc thay bìa, vì vậy năng suất rất cao gấp 10 lần trước đây khi chưa được đầu tư. Điều quan trọng là độ chính xác rất cao và mẫu nào cũng làm được.

Có thể nói, bên cạnh việc đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để bắt kịp nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường, vấn đề đào tạo nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động được các cấp chính quyền và Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc luôn luôn chú trọng. Và chắc chắn, cũng sẽ rất cần có sự tham gia hỗ trợ cả về kinh phí lẫn phương thức tổ chức từ công tác Khuyến công của Trung tâm khuyến công và Sở Công Thương Hà Nội. Đây sẽ là điểm tựa để làng nghề truyền thống hơn ngàn năm tuổi ở cửa ngõ Thủ đô phát triển bền vững.

TBT