Với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong ba năm qua, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương tỉnh Hà Giang đã tổ chức hàng chục hội chợ trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nỗ lực của các sở, ngành liên quan, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh, đến nay nhận thức của bà con các dân tộc và người tiêu dùng về hàng hóa sản xuất trong nước đã có bước chuyển biến rõ rệt.


Hà Giang có 274 km đường biên giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, với 23 tộc người cư trú và mỗi dân tộc đều có nét văn hoá truyền thống bản sắc riêng. Từ đó cũng có những tập tục mua bán, sử dụng hàng hóa hết sức độc đáo, nhưng đều có điểm chung là tính thuần phác, chân thật.


Đồng Văn là huyện địa đầu cực Bắc, nằm trong khu vực cao nguyên đá tai mèo độc đáo đã được công nhận là công viên địa chất thế giới. Chợ Đồng Văn là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Hoa, Dao, Kinh…. Bà con xuống chợ không chỉ đơn thuần là trao đổi hàng hóa, mà còn là một đòi hỏi không thể thiếu trong đời sống đó là gặp gỡ bạn bè, họ hàng, giao lưu văn hóa. Mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về thực sự là một ngày hội của bà con.


Để chuẩn bị tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Đồng Văn, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương Hà Giang đã chủ động thiết kế, dàn dựng, trang trí nhiều gian hàng bằng khung sắt có vách ngăn và mái che. Thông thường, mỗi phiên chợ sẽ diễn ra trong 3 ngày, với 25 gian hàng tiêu chuẩn/phiên cùng sự tham gia của tối thiểu 15 doanh nghiệp/phiên tập trung cho các ngành hàng: may mặc, đồ dùng học tập, đồ gia dụng, hàng điện, điện tử, thực phẩm, máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, hàng nông nghiệp… cùng với đó là kế hoạch chi tiết phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, từng bộ phận và điều không thể thiếu là sự phối hợp với công an xã, huyện bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tại chợ được đưa lên hàng đầu nhằm tạo uy tín đối với bà con về hàng Việt.


Thời tiết thất thường là một khó khăn, thử thách cho những người tổ chức phiên chợ. Theo chân những doanh nghiệp, cán bộ ở Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Công Thương Hà Giang mang hàng hóa đến các phiên chợ tại Đồng Văn, thì mới thấy được những gian nan vất vả mỗi khi triển khai hoạt động xúc tiến thương mại ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi giao thông chưa phát triển. Đổi lại, mỗi khi chứng kiến niềm vui, sự đổi thay trong nếp sản xuất, sinh hoạt của đồng bào mới hiểu hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa như thế nào đối với những vùng đất còn gian khó này.


Hiểu để chia sẻ với những doanh nghiệp, cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại, đồng thời mong được góp một tiếng nói để công tác này được quan tâm hơn nữa. Bởi khi, với nguồn kinh phí đủ mạnh thì số lượng, chất lượng doanh nghiệp tham gia hội chợ sẽ được nâng lên một bước, tạo đà cho những đột phá thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài những thành công bước đầu là đem được nhiều hàng Việt đến với bà con đồng bào các dân tộc và cách thức tổ chức các phiên chợ đã thu hút được khá đông người quan tâm bên cạnh đấy vẫn còn một số tồn tại hạn chế như chất lượng hàng hoá của các doanh nghiệp chưa đều, mẫu mã chủng loại hàng chưa phong phú, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, thường xuyên và mang tính lâu dài. Tâm lý thích dùng hàng ngoại vẫn còn ở một bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đã bị một số thương nhân lợi dụng những phiên chợ, họ ngồi bán hàng ở bên ngoài với những sản phẩm là hàng giả, hàng “nhái” kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… đã làm tác động không nhỏ đến hàng Việt Nam.


Mặc dù khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ từ Trung ương và các ngành chức năng, năm 2014, Hà Giang đã cơ bản hoàn tất kế hoạch cho 10 phiên chợ được tổ chức tại các xã vùng sâu, biên giới tại 10 huyện. Cũng trong ba năm qua, Trung tâm Xúc tiến Công Thương Hà Giang đã tổ chức thực hiện được 38 hội chợ thương mại, với 5600 gian hàng và trên 3 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu ước đạt trên 200 tỷ đồng. Hàng hoá buôn bán tại các hội chợ là hàng tiêu dùng tổng hợp được sản xuất trong nước, do thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia.


Có thể nói, việc đưa hàng Việt đến tay người dân là một việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực, để người dân nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam, với giá bán hợp lý, phù hợp với người tiêu dùng.


Hùng Lê