Chiều 18/8, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XII, năm 2022.

Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của 15 tỉnh thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 48,79 tỷ đồng, đạt 95,24% so với kế hoạch năm (được giao 51,23 tỷ đồng).

Trong đó, nguồn khuyến công quốc gia thực hiện đạt 11,07/11,14 tỷ đồng (đạt 99,37%); chiếm 14,71% tổng kinh phí thực hiện khuyến công quốc gia năm 2021.

Nguồn kinh phí khuyến công địa phương thực hiện đạt 94,11% so với kế hoạch (37,73/40,09 tỷ đồng); chiếm 23,76% tổng kinh phí thực hiện khuyến công địa phương của cả nước năm 2021.

Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Bình... Địa phương có sự quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ kinh phí đối với năm 2021 là Gia Lai, Quảng Ngãi.

7 tháng đầu năm 2022, kinh phí khuyến công toàn vùng đã thực hiện đạt 20,7 tỷ đồng, đạt 28,44% kế hoạch năm, so với tỷ lệ thực hiện 7 tháng đầu năm 2021 cao hơn 62,15%. Trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia đã triển khai thực hiện 3,54 tỷ đồng, đạt 12,11% kế hoạch năm; kinh phí khuyến công địa phương 17,17 tỷ đồng, đạt 39,38% kế hoạch năm.

Sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, năm 2022, Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức trở lại bằng hình thức trực tiếp
Nguồn kinh phí khuyến công được thực hiện tập trung vào 6 nội dung chính. Trong đó, phân bổ nhiều nhất cho hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn. Sau đó đến nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công. Ngoài ra, nguồn kinh phí khuyến công còn hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông.

Về tư vấn phát triển công nghiệp 7 tháng đầu năm 2022, các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên đã tư vấn cho 59 dự án, với doanh thu đạt 4,78 tỷ đồng, đạt 44,18% kế hoạch năm, thấp hơn 32,19% so với cùng năm 2021.

Với mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch năm, trong những tháng còn lại của năm 2022, các đại phương khu vực miền Trung- Tây Nguyên được đề nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm và trước mắt để triển khai hoạt động khuyến công, bám sát tình hình phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn, đặc biệt là tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, triển khai các hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ khuyến công được giao năm 2022. Ngoài ra, cùng trao đổi kinh nghiệm, những hoạt động có giá trị từ thực tiễn tổ chức các hoạt động khuyến công; và thảo luận, đề xuất đến Bộ Công Thương, các cơ quan trung ương các chủ trương, các giải pháp cụ thể để đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp, giải quyết kịp thời các khó khăn, để hoạt động khuyến công có hiệu quả.

Tối 18/8, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022, Cục Công Thương địa phương cũng đã trao quyết định công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn đủ điều kiện. Theo đó, đã có 124 sản phẩm, bộ sản phẩm của 120 cơ sở công nghiệp nông thôn đạt tiêu chuẩn được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Dưới đây là một số hình ảnh của hoạt động của Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo Cục Công Thương tại chuỗi các hoạt động sự kiện ngành công thương tại tỉnh Ninh Thuận.