Ngày 12/7, Cục Công nghiệp địa phương đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên (MT-TN) lần thứ 4 năm 2017. Tham dự và chủ trì là đại diện Lãnh đạo Bộ Công Thương; đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Trưởng Cục Công nghiệp địa phương ông Ngô Quang Trung và Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế ông Nguyễn Thanh.

 Đại biểu tham dự là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đại diện sở Công Thương 15 tỉnh, thành phố của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hội nghị là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương được tổ chức với mục đích chính  trao đổi thông tin nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương để tăng cường liên kết, phát triển ngành Công Thương.

Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2017, do Sở Công Thương các tỉnh trong khu vực đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Bộ Công Thương và UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên kết quả hoạt động công nghiệp và thương mại của khu vực trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 được đánh giá là ổn định và có sự tăng trưởng cao, kết quả cụ thể: hoạt động sản xuất công nghiệp của Vùng có mức tăng trưởng khá và cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước, cơ cấu nội bộ công nghiệp có bước chuyển dịch với tỷ trọng của công nghiệp chế biến,chế tạo tăng dần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội khu vực MT-TN có mức tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước. Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, giải phóng hàng tồn kho,...

Các địa phương trong khu vực đã chủ động mở rộng tìm kiếm khách hàng tại các thị trường mới thâm nhập, các doanh nghiệp đã tận dụng khai thác nhiều lợi thế hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan do các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh kinh doanh xuất nhập khẩu; cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại được quan tâm đầu tư, cải thiện đáng kể. Việc đầu tư phát triển CCN đã bước đầu đáp ứng được mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn. Công tác quản lý thị trường được chỉ đạo thường xuyên góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường trong từng địa phương và khu vực, đồng thời nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật trong kinh doanh.

Hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương trong Vùng đã được chú trọng và đẩy mạnh hơn trên các lĩnh vực như chia sẻ thông tin về công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại. Công tác kết nối giao thương hàng hoá được tăng cường, công tác phối hợp trong việc xử lý các vi phạm của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh được duy trì thường xuyên và có nền nếp.

Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương ông Ngô Quang Trung (bìa trái ảnh) trao đổi ý kiến với các đại biểu tham dự Hội nghị

Về mục tiêu 6 tháng cuối năm, khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trên cơ sở dự báo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và tình hình thực tế, để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2017, ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố Vùng duyên hải MT-TN phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt được các chỉ tiêu cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 189.100 tỷ đồng, đưa giá trị sản xuất cả năm 2017 đạt 368.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm đề ra; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 317.000 tỷ đồng, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2017 đạt 630.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 3,7 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt 7,6 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,9 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2017 đạt 3,7 tỷ USD, đạt 97, % kế hoạch.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2017, góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành công thương, toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị đã nhất trí với các giải pháp nhiệm vụ đã đề ra trong báo cáo, cụ thể:  các Sở, Ngành tăng cường công tác tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh và phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, tín dụng, giá nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, cấp điện, xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu; các tỉnh, thành phố trong vùng chủ động, tích cực đề xuất thực hiện liên kết vùng; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để đẩy mạnh liên kết vùng nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng; các địa phương trong khu vực quan tâm công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí số 4 về điện nông thôn và tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn; các địa phương quan tâm công tác kêu gọi đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp; triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế để giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các quy định mới, áp dụng hiệu quả các kết quả do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết. Tăng cường triển khai các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm.

Để tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mọi hoạt động của Ngành đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Bộ Công Thương đồng ý với đề nghị của các Sở Công Thương về việc giao Sở Công Thương tỉnh Phú  Yên đăng cai, phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương tổ chức Hội nghị ngành công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2018.

 

CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG (ARID)