Ngày 10/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công và trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; đại diện Ban Kinh tế trung ương, Văn phòng chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; đại diện Lãnh đạo, cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công, Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng cấp huyện, doanh nghiệp/cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang; các tổ chức dịch vụ khuyến công, cơ quan báo chí, truyền hình.

Tại điểm cầu của các địa phương trên cả nước có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân một số tỉnh, thành phố; Lãnh đạo Sở Công Thương; các Sở ban ngành liên quan, Trung tâm khuyến công, Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; doanh nghiệp, cơ sở CNNT của các địa phương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế trong quá trình triển khai công tác khuyến công thời gian qua; định hướng đẩy mạnh các hoạt động khuyến công trong giai đoạn tới; thảo luận, xác định các giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch khuyến công trong tình hình mới; chia sẻ kinh nghiệm triển khai, trao đổi công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.

Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn duy trì, phục hồi sản xuất

Năm 2021, tổng kinh phí khuyến công của cả nước là 338 tỷ đồng, trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) là 150 tỷ đồng, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 188 tỷ đồng.

Đối với chương trình khuyến công quốc gia, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, chương trình chỉ được giao 75,641 tỷ đồng cho 46 địa phương, 5 tổ chức dịch vụ khuyến công và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đạt 50% tổng dự toán năm 2021, giảm hơn 50% so với kinh phí được giao năm 2020. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, xây dựng tiêu chí và triển khai phương án giao và điều chỉnh kinh phí phù hợp với tình hình chung, tính chất của các đề án/nhiệm vụ, đồng thời quyết định cho phép ngừng, thực hiện do không bố trí được kinh phí đối với một số đề án/nhiệm vụ.

Dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng với sự nỗ lực của các đơn vị triển khai công tác khuyến công cấp Trung ương và các địa phương, công tác khuyến công vẫn đạt được những con số đáng ghi nhận. Trong đó, đã hỗ trợ 739 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, thí điểm xây dựng mô hình trình diễn áp dụng giải pháp sạch hơn; hỗ trợ 5 cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 5 cụm công nghiệp.

Riêng đối với nội dung hỗ trợ, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Bộ Công Thương đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để tổ chức thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ tư. Theo đó, kỳ bình chọn cấp quốc gia năm 2021 có số lượng sản phẩm tham gia nhiều nhất từ trước đến nay với (310 sản phẩm) của 58/63 tỉnh, thành phố gửi đăng ký tham gia. Kết quả, Hội đồng bình chọn cấp quốc gia đã công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Đây là số lượng sản phẩm được công nhận cao nhất đạt được qua 04 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, ghi nhận: Tuy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, với sự đồng hành của chính sách khuyến công sản xuất CNNT vẫn có đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng các đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công ngày càng tăng, quy mô sản xuất công nghiệp tại các địa phương liên tục được mở rộng. Hạ tầng cụm công nghiệp phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất sản phẩm thuộc các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương. Các hoạt động khuyến công góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng đi vào chiều sâu với xu hướng chuyển dịch khá rõ và tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao dần được tăng lên. Việc thúc đẩy mối liên kết vùng, liên kết địa phương và doanh nghiệp thông qua các nội dung hoạt động khuyến công giúp nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cho nhiều ngành sản xuất tại địa bàn nông thôn. Công nghệ tiên tiến hiện đại được hỗ trợ ứng dụng vào sản xuất, chế biến ngày càng mang lại giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giúp doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT được quan tâm triển khai sâu rộng, các sản phẩm tiêu biểu được thị trường đón nhận và đưa vào hệ thống các kênh phân phối lớn trên cả nước, tạo động lực quan trọng cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho rằng: Vẫn còn những điểm yếu cần tháo gỡ. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế biến tại khu vực nông thôn dù đã được quan tâm nhưng nhìn chung còn mức trung bình. Các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và tiếp cận với thị trường nước ngoài... trong các cơ sở CNNT còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công

Theo đó, trong thời gian tới, để thực hiện tốt các nội dung hoạt động khuyến công; trên cơ sở Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị tập trung triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao từ trung ương đến địa phương trong việc đẩy mạnh các nội dung hoạt động khuyến công, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, áp dụng các giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp trong điều kiện thích ứng an toàn với diễn biến của dịch Covid-19, nâng cao năng lực và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Bố trí nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT.

Thứ ba, nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, chú trọng công tác chuyển đổi số và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh, có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Tăng dần số lượng các cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích và áp dụng sản xuất sạch hơn, giải pháp kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở gắn với yêu cầu của thị trường bằng hình thức trực tiếp hoặc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề di dân về khu vực nông thôn do tác động của dịch Covid-19.

Thứ tư, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương.

Thứ năm, tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đã đạt giải qua các Kỳ bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để doanh nghiệp có định hướng chủ động trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm để ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Thứ sáu, nâng cao năng lực, tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương triển khai các đề án nhiệm vụ khuyến công; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy các hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khuyến công, nhất là công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên khuyến công.

Thứ bảy, thông qua cơ quan đại diện tại nước ngoài, thiết lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với đối tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp địa phương nhằm phát triển các hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, đề xuất hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua nhằm tôn vinh, động viên những tổ chức cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động khuyến công.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ Công Thương cũng đã tổ chức trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 75 tập thể, 112 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020 và công bố, trao Giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.


QLKC.