Mới đây, tại thành phố Nam Định, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC 1) thuộc Cục Công nghiệp địa phương đã tổ chức Hội thảo “Liên kết vùng” phát triển nghề thủ công mỹ nghệ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tham dự Hội thảo có đại diện sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện một số doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu khoa học, trường đào tạo nghề, ... quan tâm đến vấn đề liên kết (về nhiều mặt) để phát triển nghề thủ công mỹ nghệ. Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương; ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc IPC 1 và ông Đặng Quang Thiện, Phó Giám đốc IPC 1 chủ trì Hội thảo.


Liên kết trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nhất là trong phát triển nghề thủ công mỹ nghệ nhằm tạo mối quan hệ hợp tác sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó có sự chuyên môn hóa sâu các mặt hàng, sản phẩm theo đúng sở trường kỹ thuật của từng đơn vị sản xuất. Hơn nữa, xây dựng được mối liên kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho phát triển sản xuất mà còn giúp cho các cơ sở nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, giúp các nghề thủ công phát triển bền vững trong điều kiện công nghiệp hóa và kinh tế thị trường. Đặc biệt, hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, của các địa phương trong vùng.


Các tham luận: “Phát triển nghề thủ công mỹ nghệ tại các tỉnh khu vực phía Bắc và những vấn đề đặt ra” của ông Vũ Hy Thiều, chuyên gia cao cấp ngành thủ công mỹ nghệ; “Thương mại điện tử và đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ” của đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương tại Hội thảo được nhiều đại biểu quan tâm.


Hội thảo nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đại biểu tham dự. Mong rằng, thời gian tới, “liên kết vùng” trong phát triển nghề thủ công mỹ nghệ sẽ được tổ chức, hướng dẫn xây dựng, thực hiện đạt hiệu quả cao.


Lê Hồng Phú