Thông qua Cục Công nghiệp địa phương và Sở Công Thương thành phố Hà Nội; Quận ủy, UBND quận Kiến An thành phố Hải Phòng đã thực hiện chương trình công tác hiệu quả, ý nghĩa tại huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội về bảo tồn, phát triển sản xuất cho làng nghề đồ gỗ.

Nhằm bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề truyền thống, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, ngày 11/10/2014, Cục Công nghiệp địa phương (Cục CNĐP) đã phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội tạo điều kiện, chắp nối, tổ chức chương trình gặp mặt, thăm và làm việc giữa: Lãnh đạo Quận ủy, UBND quận; đại diện các phòng, ban của quận; một số doanh nghiệp sản xuất làng nghề đồ gỗ và hội làng nghề… thuộc quận Kiến An với Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Trên tinh thần gặp mặt, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm… ông Chu Đại Thành, Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tỉnh UBND huyện Thạch Thất thay mặt cho Huyện ủy, UBND và các cơ quan liên quan của huyện Thạch Thất đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác huyện Kiến An.


Kiến An là một quận của thành phố Hải Phòng, có nhiều làng nghề truyền thống; trong đó làng nghề mộc là một trong những làng nghề đặc trưng của địa phương hiện đang tồn tại. Những năm gần đây, do nhiều yếu tố tác động, làng nghề mộc đã gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là tìm những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn, phát triển và xây dựng làng nghề mộc của Huyện có tính bền vững, ngày càng phát triển và đạt hiệu quả hơn. Quận ủy và UBND quận Kiến An đã dành sự quan tâm, đặt mục tiêu cho việc bảo tồn, duy trì sản xuất và phát triển cho các làng nghề nói chung của Quận và làng nghề mộc nói riêng nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…


Huyện Thạch Thất thuộc thành phố Hà Nội là một địa phương có nhiều làng nghề đặc trưng; có truyền thống bảo tồn, phát triển mạnh mẽ các làng nghề. Đăc biệt, qua việc được Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất quan tâm định hướng, có những cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện nên trong những năm qua các làng nghề trong Huyện đã tìm được hướng đi đúng đắn, không ngừng phát triển, ngày càng bền vững; các làng nghề đã góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế, ổn định an sinh và ngày càng làm thay đổi diện mạo cho chương trình phát triển nông thôn mới… Từ những thế mạnh về làng nghề của huyện Thạch Thất, Quận ủy và UBND quận Kiến An mong muốn được tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và khảo sát tình hình thực tế nhằm vận dụng, tìm hướng đi phù hợp cho các làng nghề trong đó có làng nghề mộc của quận Kiến An…


Tại buổi làm việc, ông Chu Đại Thành, thay mặt thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất đã giới thiệu cụ thể về tình hình kinh tế-xã hội… của huyện Thạch Thất; tình hình phát triển sản xuất các làng nghề của địa phương, đồng thời tập trung phản ánh rõ nét về tình hình chung của 5 làng nghề mộc như: Chủ trương, định hướng, sự quan tâm khuyến khích, chính sách hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện đối với làng nghề; công tác quy hoạch làng nghề; việc định hướng sản xuất, phát triển thị trường, phát triển mẫu mã và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp từ nguồn kinh phí khuyến công để duy trì công tác đào tạo, nhân cấy, phát triển nghề mộc cho lao động của địa phương và cho các tỉnh bạn; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thay đổi máy móc thiết bị làm tăng năng suất, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức hội chợ làng nghề tại địa phương, kết hợp các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đồ gỗ của Thạch Thất, thông qua đó để không ngừng khẳng định về “Mẫu mã, chất lượng, thương hiệu và uy tín”... Ngoài ra, ông Chu Đại Thành đã cung cấp thêm những thông tin, kinh nghiệm trong công tác đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường trong làng nghề, đặc biệt là việc bố trí diện tích, khu vực sản xuất tập trung trong các cụm công nghiệp cho các hộ kinh doanh sản xuất có quy mô vừa và nhỏ cũng như công tác vận động các hộ đang sản xuất tại gia đình tập trung vào các cụm, điểm công nghiệp nhằm hạn chế rác thải, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư; đồng thời, cung cấp những thông tin liên quan đến chủ trương của Huyện ủy và UBND huyện về những phương hướng cho từng giai đoạn và đề án liên quan đến bảo tồn, phát triển bền vững các làng nghề truyền thống của Huyện và một số thông tin cần thiết khác để quận Kiến An tham khảo…


Sau buổi trao đổi, làm việc, ông Chu Đại Thành cùng đại diện các tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền huyện Thạch Thất đã tổ chức đưa Đoàn công tác của quận Kiến An đến tham quan, khảo sát, nắm tình hình thực tế tại một số làng nghề mộc của huyện Thạch Thất. Thông qua việc tìm hiểu thực tế, Đoàn công tác, đặc biệt là các doanh nghiệp gỗ và hội làng nghề của quận Kiến An đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ; qua đó định hướng đi mới cho làng nghề gỗ của địa phương như: Quan tâm hơn đến đầu tư máy móc, thiết bị; công nghệ sấy gỗ; việc bố trí nhà xưởng, kho bãi; việc tổ chức sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; những yếu tố mới trong việc sản xuất, chế tác và khôi phục để phát triển các sản phẩm đồ gỗ cổ, nhà cổ; tiếp cận nhu cầu thị trường để sản xuất các mặt hàng gỗ dân dụng đáp ứng ngay với nhu cầu và thị hiếu của thị trường cũng như người tiêu dùng; đặc biệt là việc nâng cao chất lượng và củng cố, duy trì uy tín của làng nghề…


Kết thúc chương trình làm việc, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm, ông Nguyễn Thanh Tú, Bí thư Quận ủy Kiến An, thay mặt Đoàn công tác đã có ý kiến, cảm ơn chân thành đến Cục CNĐP, Sở Công Thương thành phố Hà Nội; đặc biệt là cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, bố trí, sắp xếp một chương trình làm việc thật sự rất hiệu quả, ý nghĩa của Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất. Ông Nguyễn Thanh Tú cũng đánh giá cao về sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chủ trương, định hướng cũng như công tác quản lý, hỗ trợ cơ chế… của Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất đối với việc bảo tồn, phát triển bền vững các làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề mộc nói riêng của huyện Thạch Thất; đồng thời thông qua việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu, khảo sát thực tế Đoàn công tác của quận Kiến An đã thu nhận được rất nhiều thông tin, kinh nghiệm cũng như bài học quý báu để Quận ủy, UBND quận Kiến An làm cơ sở vận dụng lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng phương hướng, định hướng bảo tồn và phát triển cũng như quan tâm hỗ trợ về cơ chế nhằm khẩn trương khôi phục, tiếp tục bảo tồn và phát triển vững chắc làng nghề gỗ của quận Kiến An.


P. CNHT (ARID)