UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch lâu dài cho công tác khuyến công của Tỉnh, trong đó việc huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình mục tiêu quốc gia khác là một trong những nội dung trọng tâm.

Giai đoạn 2014 - 2018, tổng kinh phí hỗ trợ cho triển khai chương trình khuyến công của Hà Tĩnh là trên 15,5 tỷ đồng, bình quân đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn kinh phí này cũng thu hút 141,6 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng.

Từ nguồn kinh phí trên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Tĩnh (Trung tâm) đã dành trên 685 triệu đồng tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho chủ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT); trên 264 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, nhãn mác sản phẩm; 729 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT…

Tuy nhiên, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất mới là nội dung được Trung tâm dành nguồn vốn lớn cho triển khai. Theo đó, qua 5 năm, Trung tâm đã thực hiện 8 đề án xây dựng mô hình trình diễn với kinh phí thực hiện trên 2,26 tỷ đồng. Các đề án này đã thu hút trên 108 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT và tạo việc làm cho 250 lao động. Trung tâm cũng đã thực hiện 47 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, kinh phí thực hiện 6,8 tỷ đồng; thực hiện 5 đề án đánh giá sản xuất sạch hơn, kinh phí thực hiện 500 triệu đồng.

Theo đánh giá từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, những năm qua hoạt động khuyến công đã dần đi vào nền nếp, số lượng các đề án, kinh phí tăng theo hàng năm đã mang lại lợi ích thiết thực cho việc khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Hiện nguồn kinh phí khuyến công của Tỉnh đang tập trung hỗ trợ các dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản và các dự án thực hiện ở các địa bàn góp phần đẩy nhanh về đích chương trình nông thôn mới. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng và lan tỏa của chương trình khuyến công ngày một lớn và được các cơ sở CNNT biết tới và chủ động thụ hưởng.
Xã hội hóa nguồn kinh phí

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay: Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đề án khuyến công những năm gần đây đã cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, định mức hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn so với tổng chi phí đầu tư của doanh nghiệp nên chưa tạo được sức hấp dẫn đủ mạnh, khuyến khích các đối tượng tham gia. Hơn nữa, theo quy định, máy móc thiết bị, tiên tiến xin hỗ trợ phải là máy mới 100% nên vốn đầu tư lớn, trong khi các doanh nghiệp phần đông có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về năng lực tài chính nên đã chọn đầu tư một số chi tiết nhập khẩu đã qua sử dụng, giá rẻ, đảm bảo độ chính xác nhưng không đáp ứng tiêu chí để hỗ trợ.

Cùng đó, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc khi lập kế hoạch đề án yêu cầu phải có các thông số kỹ thuật chi tiết của máy móc, thiết bị dự kiến hỗ trợ. Tuy nhiên, từ khi đăng ký đến khi được hỗ trợ thời gian mất hơn 1 năm nên đơn vị thụ hưởng có thể thay đổi, lựa chọn loại máy có thông số khác để thực hiện nên gặp khó khăn trong việc điều chỉnh.

Tìm hướng gỡ khó về nguồn vốn, đồng thời tạo thêm nguồn lực cho triển khai công tác khuyến công, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng xây dựng những định hướng dài hơi cho vấn đề này. Tỉnh sẽ chủ động và tranh thủ nguồn vốn khuyến công quốc gia hàng năm, chương trình phát triển nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Bố trí lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh có liên quan và các nguồn vốn xã hội hóa tham gia chương trình khuyến công.

Thực hiện tốt mục tiêu đã được HĐND Tỉnh phê duyệt về việc quy định một số chính sách phát triển công nghiệp, trong đó ưu tiên dành kinh phí thích đáng để hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và khuyến công nói riêng.

UBND các cấp, các sở ngành liên quan lập hoặc bổ sung kế hoạch ở cấp ngành, lồng ghép với chương trình khuyến công của Tỉnh, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra giám sát cấp dưới, cơ sở triển khai mạnh mẽ hoạt động khuyến công. Chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và vốn vay…

Trong 2 năm 2019 - 2020, Hà Tĩnh dự kiến bố trí 17,5 tỷ đồng cho công tác khuyến công, đồng thời đề xuất chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 8,6 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật 1 cụm công nghiệp.


CTV