UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất chủ trương loại 3 cụm công nghiệp (CCN) ra khỏi quy hoạch do khó thu hút doanh nghiệp, đầu tư không khả thi.

Khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh có 14 CCN nằm trong quy hoạch. Tỉnh cũng có 13 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 581,465 ha, trong đó 3 cụm đã có quyết định thành lập gồm: CCN Gia Hiệp, huyện Di Linh; Ka Đô, huyện Đơn Dương và Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc.

Đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 6 CCN đã, đang đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp thứ cấp, gồm các CCN: Gia Hiệp; Ka Đô; Lộc Phát; Phát Chi, thành phố Đà Lạt; Đinh Văn, huyện Lâm Hà; Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. 6 CCN trên đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 93,06 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 30%.

Sở Công Thương Lâm Đồng đánh giá, công tác đầu tư phát triển CCN tại địa phương trong thời gian qua đạt được những kết quả nhất định. Tỉnh đã tạo điều kiện ổn định, thu hút được doanh nghiệp thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh. Cụ thể, đã có 30 nhà đầu tư sản xuất công nghiệp đăng ký đầu tư tại các CCN với tổng vốn trên 1.205 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án đã đi vào hoạt động và tạo việc làm cho trên 3.098 lao động.

Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp làm chủ đầu tư tại các CCN trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh chỉ có 1 CCN có nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, còn lại đều do UBND cấp huyện, thành phố làm chủ đầu tư, trong đó nhiều CCN đầu tư dang dở do khó khăn về vốn. Bên cạnh đó, hầu hết các CCN chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung, đây cũng là vấn đề gây khó cho đơn vị quản lý.

Để thực hiện tốt việc quản lý nhà nước đối với các CCN, Lâm Đồng đã xây dựng nhiều giải pháp như: Nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như nhà đầu tư thứ cấp vào CCN; bám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhanh chóng phát hiện khó khăn, vướng mắc từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời; phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, nhà máy xử lý rác thải tập trung tại các CCN.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã thống nhất chủ trương loại khỏi quy hoạch 3 CCN: Hà Lâm, huyện Đạ Huoai diện tích 66,6 ha; Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh diện tích 44,84 ha; CCN và khu dân cư kế cận Tân Châu, huyện Di Linh diện tích 78 ha. Nguyên do, các CCN này xa các trung tâm kinh tế, hệ thống giao thông không thuận lợi, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao nên đầu tư không khả thi, hiệu quả kinh tế thấp…

Cùng với việc loại một số CCN khó thu hút doanh nghiệp, đầu tư không khả thi, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng bổ sung vào quy hoạch CCN Tam Bố, huyện Di Linh với diện tích 30 ha. Ngành nghề hoạt động trong cụm, gồm: Chế biến nông lâm sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí nhỏ và vừa, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến khoáng sản.

 

Hải Linh (congthuongonline)