Bản đồ cụm công nghiệp
Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá thuộc xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất (Hà Nội). Trước kia làng có nhiều ngành nghề như dệt vải, lượt dệt, thêu ren, sản xuất cày bừa… nhưng do nắm bắt được xu hướng phát triển của nền kinh tế những năm gần đây xã Phùng Xá tập trung phát triển nghề cơ kim khí.

 

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như cuốc, xẻng, cày bừa, đinh các loại… làng nghề Phùng Xá còn nổi tiếng hơn với nhiều sản phẩm như: Khung nhà cỡ lớn, tôn lượn, tôn lá, cửa sắt…Mấy năm trở lại đây, làng nghề Phùng Xá nấu cả thép, cán thép, làm ống nước. Việc đầu tư máy móc trang thiết bị chuyên dùng được đẩy mạnh, các khâu sản xuất được cơ khí hoá cao. Từ cuối năm 2006, xã đã có Điểm công nghiệp Phùng Xá với diện tích ban đầu 11ha, quy tụ hàng trăm hộ tham gia sản xuất, kinh doanh. Do có khu sản xuất cơ, kim khí riêng biệt, ổn định nên giá trị thu nhập của người lao động khá cao. Cơ kim khí Phùng Xá phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng với hơn 20 sản phẩm bao gồm: Bản lề, cửa xếp, lưới thép, tôn lợp, dây thép buộc, dây thép gai, cuốc, xẻng.


Hiện tại, làng nghề đã được quy hoạch thành cụm công nghiệp. Cả xã có 180 công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và gần 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động địa phương và trên 1.000 lao động ở các xã lân cận. Riêng cụm công nghiệp làng nghề Phùng Xá rộng hơn 10ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hộ sản xuất cơ kim khí, mạ điện... Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt 26 triệu đồng/người/năm. Doanh nghiệp tư nhân Đức Cường của ông Trần Văn Định chuyên sản xuất các loại bản lề với sản lượng trung bình 50 tấn/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 công nhân. Ông Định cho biết, trước đây, do không có mặt bằng sản xuất, không làm ăn lớn được, buôn bán sắt vụn nên thu nhập không ổn định. Nay được thuê mặt bằng nên điều kiện sản xuất thuận lợi hơn nhiều. Với những sản phẩm đa dạng về mẫu mã mặt hàng và chủng loại, thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất lao động ở làng nghề Phùng Xá ngày càng cao, sản phẩm tiêu thụ ở thị trường rộng lớn, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động trong làng mà rất nhiều người từ nơi khác đến đây tìm việc. Công ty TNHH Hưng Lộc Phát – chuyên sản xuất các loại dây thép, lưới thép cũng là doanh nghiệp điển hình về làm ăn hiệu quả, lãi mỗi năm hàng tỷ đồng. Chủ Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Ngọ, chuyên sản xuất tôn cho biết: Ngày trước làm nhỏ lẻ thì thu nhập thấp, khách hàng mà nợ thì khó khăn lắm. Bây giờ đi vào sản xuất tập trung nên bán được số lượng nhiều, công nợ cũng ít hơn. Doanh thu hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.


Những người dân ở Phùng Xá cho biết: Hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề đều tính đến chuyện làm ăn lớn, có những cơ sở chỉ sau một thời gian ngắn, doanh thu đã tăng gấp ba, bốn lần so với khi mở xưởng. Nhờ sản xuất tập trung nên người dân không còn phải lo lắng về việc làm và thu nhập. Làng nghề không những giúp họ thoát nghèo mà còn nhanh chóng làm giàu tại chính quê hương của mình.


Với lợi thế có làng nghề cơ kim khí, đồ mộc tương đối phát triển nên đời sống của người dân khá ổn định, nhưng đi kèm với đó là những khó khăn về cơ sở hạ tầng, quy hoạch ruộng đất và ô nhiễm môi trường. Tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, xã Phùng Xá đã tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại trên địa bàn nhằm giúp người dân nâng cao mức sống. Ngoài hai cụm công nghiệp cơ kim khí 11ha và đồ mộc 4,2ha đang hoạt động, xã đang phối hợp với các ban, ngành của huyện xây dựng cụm công nghiệp cơ kim khí rộng 7,3ha để đưa toàn bộ các hộ ở trong xã vào mở rộng quy mô sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Nhờ sản xuất tập trung nên vấn đề việc làm và thu nhập đã không còn là điều mà người dân nơi đây phải canh cánh trong lòng. Làng nghề không những giúp họ thoát nghèo mà còn nhanh chóng làm giàu tại vùng nông thôn Xứ Đoài.

 


Thanh Hòa