Trong khi các làng nghề xung quanh ảm đảm, sản xuất đình trệ do thiếu thị trường, làng nghề sơn mài Bối Khê (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) lại tập nập, cung không đủ cầu.


Theo ông Phạm Văn Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, xã có 7 thôn, trong đó 6 thôn chuyên làm nghề chạm khảm chỉ có Bối Khê sản xuất hàng sơn mài. Trái với tình trạng sản xuất ảm đạm, tiêu thụ hàng hóa chậm của các thôn khác, làng nghề Bối Khê khá nhộn nhịp.


Theo chị Lâm Thị Làn - chủ một cơ sở sản xuất tại làng nghề cho biết: Từ đầu năm tới nay, thị trường khá ổn định nên hoạt động sản xuất của cơ sở vẫn duy trì tốt. Thậm chí từ tháng 10 trở lại đây, đơn hàng phục vụ cho các dịp nghỉ lễ tăng vọt người lao động phải tăng ca liên tục. Bình quân mỗi tháng cơ sở xuất khẩu từ 1-2 container, doanh thu đạt 1,5-2 tỷ đồng/tháng. Hiện cơ sở đang tạo việc làm 15 công nhân trực tiếp làm việc tại xưởng và rất nhiều lao động thời vụ làm việc tại 5 cơ sở sản xuất vệ tinh.


Cơ sở của chị Làn đã có thâm niên 10 năm sản xuất, xuất khẩu các loại đĩa, lọ, bình hoa… sang Mỹ. Thị trường này đòi hỏi những quy định rất khắt khe: Nguyên liệu phải có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận xuất xứ; chất lượng sản phẩm phải sạch không có hóa chất tồn dư…


Chị Làn chia sẻ bí quyết giúp cơ sở chắc chân tại thị trường Mỹ: Một tuần một lần, cơ sở sẽ họp với đối tác thảo luận về đơn hàng, mẫu mã màu sắc sản phẩm, xu hướng thị trường. Cơ sở hiện cũng có riêng một trung tâm thiết kế sản phẩm đặt tại Hà Nội. “Cũng chẳng có bí quyết gì to tát đâu, chúng tôi chỉ cố gắng học hỏi, tham khảo ý kiến từ phía khách hàng thôi”, chị Làn khiêm tốn nói.


Cũng là một trong những cơ sở đang “ăn lên làm ra” tại Bối Khê, anh Lâm Hữu Thịnh cho hay: Để tăng năng suất, sản lượng cơ sở của anh cũng như các hộ gia đình trong làng nghề đã đưa nhiều thiết bị công nghệ vào sản xuất, như: Máy chà, lò nung gas, máy cuốn lô… Tỷ lệ sử dụng máy móc chiếm 70%  trong quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Đại, Bối Khê hiện muốn  lớn mà không được. Do diện tích của làng nghề nhỏ hẹp, lại nằm trong lõi của xã không còn đất trống phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất của các cơ sở nữa. Trong khi đó, sản xuất sơn mài vốn cần diện tích nhà xưởng rất rộng để phơi thô, vẽ màu, chà và đánh bóng sản phẩm.


Cũng theo ông Phạm Văn Đại, để tạo thêm mặt bằng sản xuất cho Bối Khê, UBND xã Chuyên Mỹ đã có kiến nghị với UBND huyện Phú Xuyên quy hoạch cho xã từ 2 - 3 điểm tiểu thủ công nghiệp, trong đó đặt tại Bối Khê một điểm, tuy nhiên, hiện nay UBND huyện mới cho quy hoạch 1 điểm.


Xã Chuyên Mỹ có 7 thôn, chỉ có 1 điểm tiểu thủ công nghiệp, lại đặt ở quá xa khu dân cư, không thuận tiện về đường giao thông, vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, “sản xuất tại làng nghề chủ yếu có quy mô hộ gia đình, người dân tận dụng mọi thời gian để làm việc. Điểm tiểu thủ công nghiệp ở quá xa, bà con không tranh thủ được thời gian và không yên tâm khi hàng hóa không được trông coi, bảo vệ”, ông Đại nói.Để giảm thiểu chi phí cho việc thuê đất, đầu tư di dời sản xuất ra điểm tiểu thủ công nghiệp, người dân Bối Khê cũng như UBND xã Chuyên Mỹ đã kiến nghị với UBND huyện cho chuyển đổi đất 5% của xã thành điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất này của nhân dân xã Chuyên Mỹ chưa được hồi đáp.


“Trong 7 làng nghề của xã Chuyên Mỹ, hiện chỉ có Bối Khê đang phát triển mạnh do có thị trường. Chúng tôi mong muốn UBND huyện sớm đồng ý cho xã quy hoạch thêm điểm tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết vấn đề thiếu mặt bằng, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển”, ông Đại chia sẻ.


CTV