Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới, công nghệ mới được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khuyến công. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới cải thiện năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường mà còn giúp các đơn vị duy trì các giảipháp để phát triển sản xuất thânthiện môi trường, đạt năng suất chấtlượng, hiệu quả cao.

Theo đánh giá của Cục Công Thương địa phương, đa số các mô hình trình diễn khi được nghiên cứu triển khai đều có hiệu quả kinh tế vượt trội so với trước, giúp cho các cơ sở CNNT thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và số lượng sản phẩm, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng mô hình trình diễn do nguồn kinh phí hỗ trợ quá ít so với tổng mức đầu tư của đối tượng thụ hưởng, chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 28/2/2014 của Bộ Tài chính - Bộ Công Thương, xây dựng một mô hình trình diễn được hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng). Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp nhỏ, trình độ quản lý và khả năng tiếp cận kỹ thuật tiên tiến còn nhiều hạn chế nên việc xây dựng, duy trì mô hình còn khó khăn. Điều mong muốn của các doanh nghiệp là được tăng mức hỗ trợ kinh phí, đồng thời Nhà nước có thêm các giải pháp hỗ trợ về thị trường, kỹ thuật,... giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành công nghiệp của địa phương.

Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương, đang được Bộ Tài Chính xây dựng và lấy ý kiến đóng góp, xây dựng mô hình trình diễn là một trong những nội dung rất được chú trọng. Theo đó, mức chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, bao gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 1.000 triệu đồng/mô hình.

Như vậy, dự thảo đã xây dựng mức chi tối đa nâng lên gấp đôi so với quy định trong Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT, dù chưa nhiều so với vốn đầu tư cho một mô hình trình diễn kỹ thuật nhưng cũng phần nào hỗ trợ được các doanh nghiệp trong lúc khó khăn, cần huy động nguồn vốn lớn. Góp phần tạo động lực thiết thực thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN đầu tư thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tăng lợi nhuận cho đơn vị và tạo thêm việc làm mới cho nhiều lao động nông thôn.

Việc lựa chọn các mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương, kết hợp với có phương án kinh doanh hợp lý sẽ góp phần hiệu quả hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, cũng có tác dụng tích cực trong việc động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đầy công nghiệp địa phương phát triển.

TBT