Hoạt động khuyến công đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT). Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công để tương xứng với tiềm năng phát triển của các đơn vị, cơ sở CNNT của các địa phương trên cả nước...

 

Một trong những giải pháp được đề cập nhiều đến đó là xây dựng mối liên kết vùng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa CNNT.


Liên kết vùng còn yếu


Hàng năm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 20% GDP cho cả nước, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản cho cả nước... Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế vùng chưa được khai thác đúng mức, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mức tăng trưởng còn thấp...


Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và liên kết vùng còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của vùng. Tạo được sự liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa các ngành sản xuất chế biến lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.


Không riêng các tỉnh ĐBSCL mà đây là tình trạng chung của cả nước. Câu hỏi đặt ra là, tại sao các địa phương chưa chú ý đến động lực liên kết vùng. Hiện nhiều địa phương đã ký kết các chương trình tự liên kết rất mạnh, nhưng mô hình liên kết kinh tế cấp tỉnh là chính, liên kết vùng còn rất yếu. Vì vậy, nội dung liên kết vùng cần đề ra trong tất cả các lĩnh vực, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, nông dân, xử lý môi trường. Vấn đề là các địa phương phải có tài sản, lợi ích chung gì ở đó thì mới có động lực liên kết. Muốn xây dựng được cơ chế chính sách trong liên kết vùng, các địa phương phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện, lấy lợi ích chung, toàn vùng để xác định mục tiêu liên kết. Liên kết vùng phát huy lợi thế từng địa phương trong vùng và cả quốc gia. Các nội dung liên kết triển khai thực hiện đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc…


Tích cực, chủ động xây dựng mối liên kết


Theo ông Nguyễn Văn Bôn – Giám đốc Trung tâm khuyến công Long An, với đặc thù là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, chương trình khuyến công đã kịp thời hỗ trợ và khôi phục được một số làng nghề như nghề trống Bình An, chiếu Long Cang, bánh tráng Nhơn Hòa, chầm nón lá An Hiệp... Nhưng ông Bôn bày tỏ, việc xét đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống còn chậm do sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa ngành Công Thương và Nông nghiệp, các chính sách khuyến khích duy trì, phát triển làng nghề còn nhiều hạn chế...


Ông Châu Văn Nguyện – Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết: “Dù việc liên kết vùng đã được nói đến rất nhiều nhưng thực tế là mỗi nơi làm mỗi kiểu, không có ai cầm trịch, các địa phương phải tự liên kết với nhau tùy theo mối quan hệ. Vì thế cần phải có cơ quan cấp bộ điều phối hoạt động khuyến công cấp vùng, có thể xem xét nâng cấp văn phòng đại diện Cục Công nghiệp địa phương ở phía Nam thành trung tâm điều phối”.


Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố Khu vực phía Bắc lần thứ I vừa qua tại Lào Cai, nội dung “liên kết” thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định vai trò của UBND cấp tỉnh là rất quan trọng đối với công tác liên kết. Ông cũng đề nghị các địa phương cần chủ động bàn bạc liên kết, phân chia lợi ích trong liên kết và có đề xuất với Trung ương. Đồng thời, cũng khẳng định vai trò quyết định của liên kết là các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các bộ, ngành và địa phương.


Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao đổi: Liên kết vùng chỉ dựa trên tính tự giác của các địa phương là chưa đủ, cần có thể chế, chế tài để thực hiện, cần có vai trò điều phối của Chính phủ, các bộ, ngành.


Thực tế, ở nhiều địa phương trong mỗi khu vực lâu nay đã có liên kết, hợp tác, nhưng kết quả còn khá mờ nhạt. Theo các chuyên gia, việc liên kết nội vùng nếu chỉ diễn ra giữa chính quyền các tỉnh với nhau là chưa đủ. Liên kết vùng thực chất là liên kết doanh nghiệp để tạo ra sự phồn thịnh cho khu vực. Doanh nghiệp giữa các địa phương còn ít hợp tác thì mối liên kết vùng theo đó cũng sẽ yếu ớt. Vì vậy, khi xây dựng chương trình cần phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các nước cũng như quy hoạch của từng ngành. Đồng thời, phải có những người nhạc trưởng để điều hành cả vùng. Về phương thức liên kết vẫn phải bám vào mô hình ‘4 nhà’ là nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Thậm chí, liên kết vùng sẽ phải có một số nội dung bắt buộc là liên kết giữa các tỉnh, các vùng, thậm chí là các nước.


Ngọc Chính