Không ở đâu, sức mạnh của tư duy lại thể hiện rõ ưu thế như trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nơi kẻ chiến thắng là những người có khả năng sáng tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

 
Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới đã trở nên bức thiết.
Đó chính là lý do ông Nguyễn Liên Phương - Tổng Giám đốc LP Việt Nam - doanh nghiệp chuyên sáng tạo và sản xuất mặt hàng mỹ thuật trang trí (Art Decor) đẳng cấp hàng đầu thế giới, xuất khẩu sản phẩm tới trên 60 quốc gia - quyết định thành lập Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam.

Còn thiếu lắm những doanh nhân và thương hiệu Việt có tầm vóc

 

Hiện nay, nước ta có trên 400.000 doanh nghiệp với khoảng 4 triệu doanh nhân tham gia quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng nhanh qua từng năm và có những bước phát triển tích cực, có doanh nghiệp đạt doanh thu hàng tỷ USD/ năm, song phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu.

Theo ông Nguyễn Liên Phương, Việt Nam chưa có doanh nhân và thương hiệu ở tầm vóc khu vực và quốc tế, hiện vẫn còn khoảng cách khá xa về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt với cộng đồng kinh doanh quốc tế. Rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài vẫn phải bán bằng thương hiệu của các nhà nhập khẩu chứ chưa thực sự đứng vững được bằng tên tuổi của mình. Khi một nền kinh tế chưa có những doanh nhân và thương hiệu đủ sức để cạnh tranh ngang ngửa với thiên hạ trên sân chơi toàn cầu, thì đó vẫn là một nền kinh tế bé nhỏ.

Thực tế ở Việt Nam thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và cả các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách hay nói đến việc đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực. Nhưng đi tắt đón đầu thế nào thì lại không hiểu rõ. Thế mới có chuyện các địa phương, doanh nghiệp đua nhau phong trào đầu tư ào ào vào xi măng lò đứng, xây dựng các nhà máy mía đường, cán kéo thép.., để sản xuất ra những sản phẩm hết sức lạc hậu, không có sức cạnh tranh.

Theo các chuyên gia kinh tế, điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là phần lớn không được đào tạo bài bản căn cơ, thiếu tính chuyên nghiệp, nhiều doanh nhân của chúng ta chưa được đào tạo để làm nhà lãnh đạo doanh nghiệp đúng nghĩa. Ông Phương cho rằng, nền kinh tế thị trường hiện đại giờ đây sẽ không còn chỗ đứng cho những doanh nghiệp "tự phát" làm ăn mà không học hành, chỉ dựa vào kinh nghiệm, cảm tính. Chủ nghĩa kinh nghiệm thuần tuý của các cá nhân không đủ để giải quyết những vấn đề đặt ra trong kinh doanh hiện đại, nơi mà xu hướng tiêu dùng thay đổi chóng mặt từng ngày.


Phát huy sức mạnh tư duy - mấu chốt tạo thành công cho doanh nghiệp

 

Một thực tế hiện nay là phần đông các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang làm công việc của các cán bộ quản lý doanh nghiệp. Ta thường thấy các lãnh đạo doanh nghiệp than bận “trăm công ngàn việc” không có thời gian dành cho các hoạt động khác. Nhưng thực ra, đó là do họ đã ôm cả công việc của các cán bộ quản lý. Đó là đặc trưng của các chủ doanh nghiệp cổ điển không phải là hình ảnh của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện đại.

 

Ông Nguyễn Liên Phương cho rằng, nhà quản lý giỏi nhất cũng chỉ làm cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, còn tạo ra cho doanh nghiệp bước phát triển đột phá, đó chính là chức năng của nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác biệt các cán bộ quản lý doanh nghiệp ở tầm nhìn, khả năng kết nối và hợp tác, khả năng cộng hưởng trí tuệ và tổ chức những mô hình kinh doanh mới. Chính nhà lãnh đạo doanh nghiệp, với năng lực tư duy sáng tạo của mình sẽ quyết định thành công của doanh nghiệp. Đó là bởi nền kinh tế thị trường hiện đại rất khắc nghiệt, đó là nền kinh tế của sức mạnh tư duy và kẻ chiến thắng là những người có khả năng sáng tạo ra những phương thức và cách thức kinh doanh độc đáo, có độ khác biệt cao.


Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước và thị trường thế giới hiện nay, việc phát huy sức mạnh tư duy của doanh nhân - những thuyền trưởng của con tàu doanh nghiệp nhằm tạo ra những thương hiệu lớn đạt tầm vóc quốc tế đã trở nên bức thiết. Đầu tháng 8 vừa qua, Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam đã khai trương, nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển những Nhận thức Mới về kinh tế, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đồng thời trang bị cho các doanh nhân nhận thức, kiến thức và cách thức để làm tốt vai trò, chức năng của nhà lãnh đạo doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Liên Phương- Giám đốc Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam chia sẻ, thập kỷ tới sẽ là cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam và cho các doanh nghiệp Việt Nam, và Học viện doanh nhân LP là nơi các doanh nhân cùng nhau chia sẻ những bài học kinh doanh, cộng hưởng và thăng hoa trí tuệ sáng tạo, kết nối và hợp tác để phát triển. Đây cũng là diễn đàn hun đúc bản lĩnh và khơi dậy khát vọng của doanh nhân Việt để luôn nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế Việt Nam.
 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử