Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung phát triển các tổ hợp tác khai thác, chế biến thủy sản; nâng cấp hạ tầng du lịch… nhằm phát huy vai trò kinh tế biển.

Tại Nghệ An, khai thác thủy sản là nghề chính của nhiều người dân. Năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, khai thác thủy sản phát triển khó khăn, sản phẩm khai thác khó tiêu thụ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nghề khai thác thủy sản đang bắt đầu phục hồi; nhiều chủ tàu đã có những chuyến đi biển xa bờ cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, năng lực của các tàu cá còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn của các chuyến đi biển.

 Nghệ An hiện có nhiều tàu đánh bắt cá công suất dưới 20CV - loại tàu này chủ yếu là thuyền mủng, bè mảng, chưa đăng ký, lắp động cơ khai thác hải sản vùng nước gần bờ; trang thiết bị bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển chưa đầy đủ. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của ngư dân còn hạn chế, một số chủ tàu chưa thấy hết tác dụng của việc trang bị máy thông tin tàu cá, nên số lượng tàu thuyền có máy thông tin liên lạc theo quy định còn thiếu, đặc biệt là số tàu cá hoạt động gần bờ (dưới 10 hải lý). Các tàu này chủ yếu liên lạc với nhau bằng điện thoại di động, gây khó khăn cho chỉ đạo khai thác và quản lý thông tin nghề cá, đặc biệt khi có bão và áp thấp nhiệt đới.

 Từ đầu năm đến nay, ngư dân Nghệ An khai thác được trên 38.555 tấn thủy sản, tăng 11,13% so với cùng kỳ năm 2016; thu nhập bình quân của ngư dân cơ bản được nâng cao.

Thằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động đánh bắt thủy sản, khắc phục hạn chế trên, tỉnh giao ngành thủy sản phối hợp với các địa phương và các ngành chức năng tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến 100% các chủ phương tiện, thuyền trưởng hoạt động trên biển nắm và hiểu được pháp luật về chủ quyền biển, đảo các kiến thức, kinh nghiệm và biện pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng các mô hình điểm, các tổ hợp khai thác thủy sản hiệu quả gắn với bảo vệ, hỗ trợ nhau trên biển của các chủ tàu thuyền. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% số tàu hoạt động ở vùng biển xa bờ, 50% tàu khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng tham gia tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển; 100% tàu cá công suất từ 45CV trở lên được trang bị đầy đủ phao cứu sinh.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế vùng biển được tập trung nâng cấp, giao thông trục chính cơ bản đã phủ kín. Cảng Cửa Lò được nâng cấp, tàu 3 vạn tấn có thể vào ra thuận lợi. Nghệ An đã và đang tập trung thu hút đầu tư xây dựng cụm cảng Đông Hồi, cảng nước sâu Cửa Lò, cảng xi măng Vissai và nhiều công trình đường bộ khu vực ven biển, trong đó có đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường ven biển...

Hệ thống hạ tầng đô thị ven biển phát triển nhanh (TP. Vinh được nâng cấp đô thị loại I; Cửa Lò được công nhận đô thị du lịch biển; thành lập thị xã Hoàng Mai…); quốc phòng - an ninh vùng biển, ven biển được tăng cường và giữ vững.

Riêng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với doanh thu năm 2016 đạt 3.630 tỷ đồng, tăng bình quân 15,49% hàng năm. Tỷ trọng khách du lịch đến vùng biển chiếm khoảng 80% tổng du khách đến Nghệ An.

 

Theo: Báo Công Thương