Ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN), do Bộ Công Thương chủ trì, soạn thảo. Văn bản này được kỳ vọng sẽ mở ra định hướng quan trọng tăng cường hoạt động quản lý, thúc đẩy và phát huy vai trò của các CCN trong phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Nghị định gồm 7 chương và 48 điều. Cụ thể: Chương I gồm những quy định chung; chương II quy hoạch, thành lập CCN; chương III đầu tư xây dựng hạ tầng CCN; chương IV đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN; chương V chính sách ưu đãi phát triển CCN; chương VI quản lý nhà nước đối với CCN; chương VII điều khoản thi hành.

Trong đó, chương V quy định những chính sách ưu đãi phát triển CCN là nội dung rất được quan tâm. Theo đó, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 15 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Bên cạnh đó, chương VI về quản lý nhà nước đối với CCN cũng rất được quan tâm. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về CCN trên cả nước; phân công trách nhiệm, quyền hạn cụ thể từng Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan liên quan; ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về CCN. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trong từng giai đoạn do ngân sách trung ương đảm bảo; chỉ đạo xử lý, giải quyết các vi phạm, vấn đề vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.

Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về CCN trên phạm vi cả nước có quyền hạn, trách nhiệm: Xây dựng, ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách, pháp luật, chứng nhận, xác nhận liên quan về CCN; thỏa thuận quy hoạch, có ý kiến đối với đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư các CCN. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, phát triển CCN. Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn sau năm 2020 do ngân sách trung ương đảm bảo; xây dựng phương án ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN hàng năm và 5 năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thanh tra, kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện quy hoạch, chính sách, pháp luật, hiệu quả hoạt động của CCN; xử lý kiến nghị của các địa phương về CCN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ban hành biểu, mẫu quy chế quản lý, báo cáo về CCN; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu CCN cả nước.

Ngay sau khi Nghị định về quản lý, phát triển CCN được phê duyệt Bộ Công Thương nhanh chóng xây dựng thông tư hướng dẫn nhằm sớm triển khai thực hiện nghị định.

 

TTTT (ARID)