Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN). Mục tiêu của Nghị định, sẽ nâng cao hơn tính pháp lý của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN đồng thời khắc phục những bất cập, tồn tại của công tác quản lý CCN thời gian qua; đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển CCN hiện nay. Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung những bất cập, tồn tại sau:



Một là, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, trình tự quy hoạch, thành lập, mở rộng, đưa ra khỏi quy hoạch CCN theo hướng quy định cụ thể, chi tiết để đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả, khả thi trong quá trình triển khai, thực hiện.


Hai là, sửa đổi, hoàn thiện các quy định rõ ràng, cụ thể về mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện.


Dự thảo Nghị định đã xác định rõ quan điểm việc thành lập các mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN theo hướng khuyến khích doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng. Trường hợp địa phương có nhiều CCN tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc địa bàn không có khả năng thu hút các DN đầu tư hạ tầng thì Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quyết định thành lập và giao Trung tâm đầu tư phát triển CCN cấp huyện hoặc Trung tâm đầu tư phát triển CCN cấp tỉnh làm nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN sử dụng vốn ngân sách nhà nước.


Ba là, bổ sung các quy định về việc hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và dự án sản xuất kinh doanh trong CCN.


Dự thảo Nghị định đã phân định các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và các dự án đầu tư sản xuất trong CCN theo các quy định của pháp luật chuyên ngành. Trên cơ sở đó, phân công cơ quan đầu mối hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện các thủ tục hành chính (như đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, bảo vệ môi trường,…).


Bốn là, bổ sung các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư CCN. Trên cơ sở các cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư hiện hành của Nhà nước, Dự thảo Nghị định đã bổ sung, hoàn thiện cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đối với CCN đủ mạnh để hỗ trợ DN đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và đầu tư vào trong CCN nhằm nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, tăng tỷ lệ lấp đầy, phát huy hiệu quả hoạt động của các CCN.


Năm là, bổ sung, hoàn thiện các quy định cụ thể về trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong quản lý nhà nước về CCN. Trên cơ sở rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật, Dự thảo Nghị định đã phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm cho từng Bộ, UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương, UBND cấp huyện theo hướng tăng cường vị trí, trách nhiệm của cơ quan đầu mối Sở Công Thương ở địa phương và Bộ Công Thương ở Trung ương.


Sáu là, bổ sung quy định cơ chế thống kê, báo cáo số liệu về tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hoạt động của các CCN.


Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể cơ chế báo cáo thống kê tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng CCN; tình hình sản xuất kinh doanh trong CCN để thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý các CCN trong cả nước.


Theo đơn vị dự thảo, khi Nghị định được ban hành, các DN sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư CCN; thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN cũng như thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan được phân định rõ ràng, cụ thể, không chồng chéo; đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý các CCN. Việc tuân thủ, chấp hành các quy định của Nghị định sẽ có tính khả thi cao bởi phù hợp với mong muốn của các đối tượng thụ hưởng và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất của các cơ quan nhà nước hiện nay./.


QLCCN (ARID)