Da giày, túi xách là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành công nghiệp giày dép Việt Nam đạt 10,2 tỷ đô la Mỹ, tương đương gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đang đứng trước cơ hội tăng lên nhiều lần, khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do FTA với Liên minh châu Âu EU.


Việt Nam hiện đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu da giày, thế nhưng 90% sản phẩm da giày Việt Nam là hàng gia công xuất khẩu. Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hoá của ngành mới chỉ chiếm 40 - 45%, những nguyên liệu quan trọng nhất vẫn đang phải nhập khẩu. Năng lực quản trị hạn chế và sự thiếu đồng bộ trong cung ứng nguyên phụ liệu, được coi là những nguyên nhân chính của vấn đề này.


Tại sàn giao dịch nguyên phụ liệu, một trung tâm chuyên cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất da giày, túi xách ở khu vực phía Nam. Với nhiều mẫu mã nguyên phụ liệu có chất lượng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên theo nhà đầu tư, sàn giao dịch này đến nay đã hoàn toàn thất bại bởi không có khách hàng giao dịch.


Theo nhà đầu tư, nguyên nhân chính là do 90% doanh nghiệp sản xuất da giày, túi xách của Việt Nam với phương thức gia công là chủ yếu, do vậy nhà sản xuất không được chủ động tìm kiếm và đặt nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, mặc dù sản phẩm tại đây có chất lượng và mẫu mã không kém gì hàng nhập ngoạị


Bà Trương Thị Thúy Liên - Giám đốc Trung tâm nguyên, phụ liệu Da, giày Liên Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Cơ cấu sản xuất của ngành da, giày Việt Nam do đa số là gia công, mà khi gia công thì họ lại không chủ động được khâu thu, mua nguyên phụ liệu mà thường phải qua các đối tác giao gia công, mà những đối tác này lại được quyền chỉ định khách hàng phải sử dụng nguyên phụ liệu tại một nhà sản xuất nào đó hoặc ở Trung quốc, hoặc nước ngoài. Do vậy mô hình thành lập trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu đã hoàn toàn thất bại”.


Với hơn 800 doanh nghiệp và được đánh giá là ngành xuất khẩu lớn thứ ba trên cả nước, tuy nhiên các báo cáo cho thấy, năng lực sản xuất của ngành da giày Việt Nam hiện chủ yếu là gia công xuất khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu, 70% doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm và thị trường nước ngoài.


Theo Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch hiệp hội Da, giày Việt Nam: “Nếu tiếp tục đầu tư vào sản xuất những nguyên liệu cấp thấp, thì rõ ràng chúng ta không thể cạnh tranh được, cái việc mà người ta nói giá nguyên phụ liệu của Việt Nam cao bởi thứ nhất là nguyên liệu chưa đủ, thứ hai là chúng ta tranh sản xuất vật liệu cấp thấp với Trung Quốc thì chúng ta khó cạnh tranh”.


Tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu da giày, do hiệp hội Da giày - Túi sách Việt Nam phối hợp với hiệp hội bán lẻ Giày Hoa Kỳ được tổ chức mới đây, các báo cáo cũng cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 300 triệu đô la Mỹ nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp này. Toàn ngành có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, tuy nhiên chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.


Thông qua diễn đàn này, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu giày dép, nguyên phụ liệu tại Việt Nam sẽ có sự đánh giá đúng về nhu cầu thị trường, cơ hội thách thức trong xuất khẩu, các rào cản trong thương mại quốc tế liên quan tới sản phẩm xuất khẩu của toàn ngành.


Mặc dù đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu da giày, túi xách và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép và túi xách vào thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng để thoát khỏi cảnh gia công là chủ yếu, ngành công nghiệp da giày cần có quy hoạch đồng bộ, đặc biệt đối với việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết: “Bộ Công Thương đang trình Chính phủ nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, đối với ngành da giày thì sự hỗ trợ của nhà nước hiện đang gặp nhiều khó khăn, bởi nếu chúng ta hỗ trợ trực tiếp cho xuất khẩu thì vi phạm WTO và những cam kết của chúng ta trong WTO, cho nên hỗ trợ của chúng ta chủ yếu là phát triển hạ tầng, tức là xây dựng các khu công nghiệp tập trung để thu hút nhà đầu tư vào trong khu công nghiệp”.


Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam: “Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng giá trị gia tăng, cung ứng hàng hoá trực tiếp đến các doanh nghiệp làm dịch vụ và đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp da giày, túi xách Việt Nam”.


Ông Matt Priest- Chủ tịch hiệp hội Bán lẻ Giày Hoa Kỳ cho biết: “Điều quan trọng của ngành công nghiệp giày, dép hiện nay là sự gia tăng của chi phí trong tất cả chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy các nhà cung ứng, các nhà bán lẻ của Hoa Kỳ chúng tôi luôn tìm kiếm các đối tác đủ sức cạnh tranh tại Việt Nam. Việc chủ động nguồn nguyên liệu, nâng tỷ lệ nội địa hoá là điều cần thiết cho sự phát triển và hội nhập đối với mỗi doanh nghiệp”.


Còn theo Ông Sébastien Dollet- Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Decathon Việt Nam: “Việt Nam đang hướng tới hoàn thiện các thoả thuận và hợp tác quốc tế, đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp giày, dép Việt Nam mở rộng sản xuất và phát triển các sản phẩm của mình đặc biệt là ở thị trường Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển, thì rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam cần đạt tỷ lệ nội địa hoá nguyên phụ liệu theo quy định”.


Đảm bảo điều kiện xuất xứ, các nguyên vật liệu nhập khẩu của các nước thành viên TPP sẽ là một thách thức đối với ngành da giày của Việt Nam. TPP không chỉ khiến sản phẩm xuất khẩu của mình được hưởng thuế suất 0% mà còn là sức ép tích cực để các doanh nghiệp da giày Việt Nam đẩy mạnh nội địa hóa, đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào.


Theo định hướng phát triển, đến năm 2020 ngành công nghiệp da giày Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ nội địa hoá lên 80%, đạt tổng kim ngạch xuất khẩu là 25 tỷ USD, hình thành các mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, dịch vụ giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng thích ứng.


Hùng Lê