Bản đồ cụm công nghiệp
Trong Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định vùng Đông Bắc bộ, trong đó có Thái Nguyên là vùng nguyên liệu gỗ lớn của cả nước. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu và là lợi thế lớn của tỉnh để phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản.

 
Được biết từ năm 2000, hệ thống cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng mạnh, đến nay có 991 cơ sở. Mô hình sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sơ chế lâm sản với 516 cơ sở (chiếm 52,06%), sản phẩm chủ yếu là thang dát, nan nẹp, bao bì, gỗ bóc, cốt pha, nguyên liệu sản xuất giấy, nguyên liệu làm nấm… để phục vụ sản xuất trong tỉnh và xuất đi ngoại tỉnh, xuất khẩu. Sản xuất đồ mộc gia dụng có 427 cơ sở (chiếm 43,08%), sản phẩm chính là giường tủ. bàn ghế, cửa, đồ gia dụng được sản xuất theo đơn đặt hàng của các tổ chức, hộ gia đình. Tổng số máy móc, thiết bị chế biến lâm sản hiện có 2.854 chiếc, nhưng chủ yếu là thiết bị thô sơ, có công suất nhỏ để gia công chế biến gỗ như máy tiện, máy bào, máy xẻ gỗ; chỉ có ít doanh nghiệp có máy đục hiện đại. 


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Định Hóa cho biết, tại huyện Định Hóa có tới 183 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia lĩnh vực chế biến lâm sản, nhưng chính thức đăng ký kinh doanh hoạt động theo lĩnh vực này thì khoảng trên 60 cơ sở. Như vậy, có thể nói, chế biến lâm sản ở Định Hóa, Thái Nguyên rất manh mún và nhỏ lẻ chủ yếu vẫn là sản xuất thủ công, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều chưa có điều kiện để ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong dây chuyền sản xuất, đặc biệt là khâu bóc và ép ván. Thực tế, những hạn chế trên cũng là những nỗi niềm của các DN chế biến lâm sản. Hầu hết các cơ sở đều cho rằng, muốn mở rộng xưởng sản xuất, hay đầu tư mới nhưng vướng vẫn là vốn để mua sắm máy móc và công nhân lành nghề.


Trước thực tế đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã xây dựng đề án "Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván ép" tại HTX dịch vụ vận tải Chuyên Đức, xã Trung Hội, huyện Định Hoá. Cụ thể: Hỗ trợ đầu tư xây dựng được dây chuyền sản xuất gỗ ván ép với công suất 3.000 m3 sản phẩm/năm, đặc biệt sản phẩm được sản xuất sử dụng 100% nguyên liệu tại chỗ và hiện chưa có đơn vị nào áp dụng công nghệ sản xuất gỗ ván ép này trên địa bàn huyện Định Hóa.


Ông Nguyễn Hồng Chuyên – Chủ nhiệm Hợp tác xã Chuyên Đức cho biết, từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, HTX đã  mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất có một số máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Trung Quốc và một phần chế tạo trong nước, dễ sử dụng, ứng dụng rộng rãi đối với tất cả các loại gỗ. Gỗ bóc ra có khổ bóc đến 2,6 m cùng với hệ thống máy ép ván 12 khe tiên tiến hiện trên địa bàn huyện chưa có đơn vị nào áp dụng. Bên cạnh đó là tiêu thụ năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, không sản sinh ra những chất thải độc hại.


Nói về Hợp tác xã Chuyên Đức, ông Nguyễn Văn An – Bí thư Đảng ủy xã Trung Hội cho biết, Hợp tác xã Chuyên Đức là mô hình điểm của xã cũng như của huyện Định Hóa về sử dụng nguyên liệu tại chỗ phục vụ chế biến lâm sản cũng như góp phần vào an sinh xã hội trên địa bàn. Hợp tác xã Chuyên Đức đã tạo việc làm và thu nhập cho 40 lao động, với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách Nhà nước năm 2014 đạt 160 triệu đồng và năm 2015 ước đạt  200 triệu đồng.


Có thể thấy rằng, nguồn vốn khuyến công địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về mặt kinh tế và xã hội, giúp cho nhiều HTX duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương cùng chung tay góp phần phát triển thành phần kinh tế tập thể ngày càng bền vững.


CTV