Xác định tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là lĩnh vực đang có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, ngành Công Thương Phú Thọ đã xây dựng các chính sách cụ thể và hấp dẫn, tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế này phát triển.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ - Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết: Phú Thọ luôn chú trọng tới công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, làng có nghề. Từ năm 2011 - 2015, Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổng thể về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; chương trình bảo tồn làng nghề. Đặc biệt, kế hoạch về phát triển làng nghề nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Với kế hoạch này, mỗi năm Phú Thọ dành khoảng 3,7 tỷ đồng hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu, đào tạo nghề, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.

Dưới tác động của các chính sách hỗ trợ trên, khu vực làng nghề của Tỉnh đã thay đổi đáng kể. Tiêu biểu, làng nghề mộc Minh Đức, xã Thanh Uyên hiện có 180 hộ làm nghề với khoảng 400 lao động, doanh thu bình quân đạt trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm của làng mộc Minh Đức với đường nét sắc sảo, tinh tế đã có mặt trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tương tự, làng nghề đan lát Hiền Quang đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, bao gồm cả lao động thời vụ. Hàng năm, nghề đem lại doanh thu khoảng 10 tỷ đồng cho bà con nơi đây. Giá trị gia tăng trong sản phẩm cũng ngày một cải thiện do nguyên phụ liệu được bà con khai thác sẵn trên địa bàn và thu mua tại các địa phương lân cận.

Đến nay, trên địa bàn  tỉnh Phú Thọ đã có 73 làng nghề và làng có nghề, tập trung ở 4 nhóm ngành: Chế biến thực phẩm, chế biến nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ và sản xuất vật liệu xây dựng với doanh thu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Các làng nghề của địa phương cơ bản gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ nên nguyên liệu cho sản xuất khá dồi dào. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, khu vực làng nghề đang tạo thêm khá nhiều việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và hạn chế phát sinh các tệ nạn xã hội tại địa phương. Lãnh đạo Sở Công Thương Phú Thọ cho biết thêm, trên địa bàn Tỉnh hiện đã có làng nghề phát triển khá tốt nhờ áp dụng mô hình chuỗi liên kết và đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất như làng mộc Minh Đức.

Trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục xây dựng và triển khai các giải pháp trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - thương mại cho các làng nghề, sản phẩm làng nghề. Xây dựng dữ liệu ngành Công Thương, sàn giao dịch thương mại điện tử. Ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận, tranh thủ tối đa nguồn lực của tỉnh và địa phương trong công tác đào tạo nghề cũng như xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sức tăng trưởng của các làng nghề.


TBT