Tính đến hết năm 2016, cả nước đã thành lập 736 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 22.317 ha, trong đó có 621 CCN (tổng diện tích trên 19.536 ha) đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút 10.680 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký 137.568 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 537.172 lao động.


Thời gian qua, từ sau khi Quy chế quản lý CCN được ban hành (theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009), việc quản lý CCN đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động. Bên cạnh đó, mặc dù hỗ trợ của ngân sách trung ương cho các CCN chưa nhiều, nhưng bước đầu đã góp phần tích cực cùng ngân sách địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn về vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cũng như phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước.


Tuy nhiên, theo đánh giá chất lượng công tác quy hoạch CCN chưa cao, khả năng dự báo, tính toán nhu cầu quy hoạch và khả năng đáp ứng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch chưa sát thực tế, phù hợp thực tiễn ở địa phương. Việc triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng CCN nhìn chung còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Số CCN đi vào hoạt động, thu hút các dự án đầu tư mới đạt 42,3% so với trong quy hoạch (621/1.467 cụm). Vấn đề bảo vệ môi trường trong CCN chưa được các địa phương, chủ đầu tư quan tâm, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường; đa số các CCN chưa xây dựng khu vực tập trung rác thải, hệ thống xử lý nước thải. Cả nước chỉ có 98 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động (chiếm 15,7% số CCN đi vào hoạt động). Việc thu hút các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN gặp nhiều khó khăn, do đa số các CCN nằm ở địa bàn nông thôn, vị trí không thuận lợi về giao thông, hạ tầng cơ sở xung quanh yếu kém...


Theo Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước có 1.467 CCN với tổng diện tích 48.899 ha. Như vậy chỉ tính riêng từ nay đến năm 2020, sẽ tăng gấp đôi số CCN thành lập. Để tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các CCN, ngày 25/5/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển CCN cho phù hợp với thực tế trên địa bàn và thực hiện đúng quy định, từng bước đưa công tác quản lý CCN vào nề nếp. Nghị định cũng đã đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể góp phần vào việc xây dựng và phát triển các CCN nhằm phục vụ nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; giải quyết việc làm cho lao động địa phương; thúc chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội theo hướng công nghiệp hóa.


Việc quản lý, phát triển CCN hiệu quả sẽ góp phần khai thác được các lợi thế về tài nguyên, lao động và hạ tầng tại địa phương; đồng thời phát triển CCN gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng được các mối liên kết kinh tế trong khu vực, vùng, cả nước sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung cả nước phát triển bền vững.


Ngọc Khánh