Phiên đàm phán thứ 7 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã kết thúc tốt đẹp. Dự kiến 2 bên sẽ kết thúc đàm phán FTA vào cuối năm nay và FTA sẽ chính thức có hiệu lực kể từ năm 2016. Để chuẩn bị cho việc gia nhập FTA, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp VN cần tận dụng mọi cơ hội để tăng năng lực xuất khẩu, bao gồm cả việc khai thác tối đa các ưu đãi từ quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mới của EU.

 

Theo quy chế GSP  mới này, kể từ năm 2014, Việt Nam (VN) được hưởng ưu đãi thuế quan đối với mọi mặt hàng, kể cả những mặt hàng trước đây đã bị xếp vào nhóm “đã trưởng thành”, tức là các mặt hàng có sức cạnh tranh tốt như giày dép, mũ nón. Cụ thể  kể từ năm 2014, thuế nhập khẩu 1 số mặt hàng giày dép của VN vào EU giảm xuống chỉ còn 4,5% thay vì từ 8% - 17% của năm 2013. Đây là một lợi thế rất lớn vì EU hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nhóm hàng này. Năm 2013, xuất khẩu giày dép của VN vào EU đạt 3,4 tỷ Đô la Mỹ, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Với thị phần 8,5%, VN cũng là nước đứng thứ 2 sau Trung Quốc xuất khẩu giày dép vào thị trường EU.


Theo Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội da – giầy – túi xách VN cho biết: GSP này trong cả giai đoạn trước đã mang lại một lợi ích lớn cho ngành da giầy cũng như đã tạo được cái đà cho ngành da giầy phát triển. GSP được hưởng từ 01/01/2014 sẽ tiếp tục tục mang lại cái lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp và cũng tạo ra sự cạnh tranh lớn của sản phẩm da giày đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Với xu thế này, chúng tôi cũng dự kiến năm nay tốc độ xuất khẩu vào thị trường EU cũng sẽ tăng trưởng tốt, dự kiến tăng trưởng từ 10-15%.


Quy chế GSP mới của EU cũng loại bỏ 25 nước xuất khẩu vào EU ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi, trong đó có Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chính của VN. Điều đó cũng có nghĩa là hàng VN khi xuất khẩu vào EU sẽ trở nên cạnh tranh hơn, đặc biệt đối với các ngành hàng dệt may, da giày, thủy sản, nhựa, chè, cafe.


Tuy nhiên, việc các nước đang phát triển có trình độ cao hơn VN không được hưởng ưu đãi từ GSP nữa, sẽ khiến thị phần hàng nhập từ VN tăng lên rất nhiều trong tổng nhập khẩu được hưởng GSP của EU và rất dễ đạt tới mức 17,5% - ngưỡng trưởng thành theo quy định của EU và không được hưởng ưu đãi nữa. Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhóm hàng hóa chắc chắn vượt ngưỡng trưởng thành bao gồm: Thủy sản, cafe, chè, gia vị, giày dép. Nhóm có nguy cơ đạt ngưỡng trưởng thành bao gồm: Nhựa, quần áo và hàng may mặc.

 
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ nên nhìn GSP dưới góc độ lợi ích tương đối về thuế trong ngắn hạn, mà nên coi GSP là một cơ hội để tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường EU khi mà các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc không được hưởng GSP. Từ đó, xây dựng vị trí vững chắc trên thị trường này, tạo đà cho việc gia nhập FTA vào 2016.


Theo Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương thì từ năm 2014-2016 là giai đoạn chiếm lĩnh thị trường, khi đối thủ cạnh tranh bị giảm lợi thế. Từ 2016 trở đi sẽ đạt FTA, ông cũng khuyến cáo các doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2016 cần tiếp tục đẩy mạnh và bằng mọi cách tiếp cận thị trường EU để làm sao đứng vững ở thị trường này.


Một vấn đề hết sức quan trọng nữa, là doanh nghiệp cần phải chủ động nắm bắt tiến trình đàm phán các hiệp định để có thể điều chỉnh chiến lược tiếp cận thị trường một cách linh hoạt và kịp thời trong giai đoạn chuyển đổi. Quy chế GSP của Liên minh Châu Âu tạo cơ hội cho các doanh nghiệp VN có thể đảm bảo và gia tăng được thị phần của mình. Tuy nhiên, ưu đãi này sẽ tự động chấm dứt khi Hiệp định thương mại tự do giữa VN và EU được kí kết và có hiệu lực, dự kiến vào cuối năm 2016. Sau năm 2016, giả sử đã trưởng thành, thì hàng hóa của VN vẫn sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi dưới một hiệp định có tính chất toàn diện và lâu dài hơn, đó là hiệp định thương mại tự do. Và như vậy, luồng thương mại giữa VN –EU vẫn sẽ tiếp tục được chu chuyển và nâng cao liên tục.


EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của VN với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20%. Năm 2012, lần đầu tiên, EU đã vượt Hoa Kỳ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU đạt khoảng 24,3 tỷ USD. Theo dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường EU năm 2014 sẽ lần đầu tiên vượt qua con số 30 tỷ USD.


 Các chuyên gia đánh giá, tác  động của Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - EU đến kinh tế xã hội của VN là rất lớn, tạo động lực cho đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – EU được ký kết sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nhiều ngành và lĩnh vực của VN cũng như tăng trưởng thương mại hai chiều. Việc cắt giảm thuế quan khi thực thi FTA giữa Việt Nam - EU có thể làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên khoảng 30-40%.


TTTT(ARID)