Ngày 10 tháng 10 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4051/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch hệ thống kho hàng hóa phục vụ phát triển công nghiệp chế biến Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.


Theo đó, Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển hệ thống kho hàng hóa trở thành một trong các cơ sở hạ tầng thương mại nòng cốt phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và xuất khẩu, đảm bảo đồng bộ và tương thích với định hướng phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật của Vùng. Phát triển hệ thống kho hàng hóa của Vùng đồng bộ cùng với tích hợp các dịch vụ logistics trọn gói, từng bước chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết, lưu giữ và bảo quản hàng hóa phục vụ  công nghiệp chế biến, thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và xuất khẩu.


Giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống kho hàng hóa sẽ phát triển đủ để đáp ứng 80% nhu cầu về quy mô (diện tích, sức chứa) phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và xuất khẩu; cung cấp các dịch vụ quan trọng và cần thiết nhất trong quá trình tập kết, lưu giữ, chỉnh lý, bảo quản, đóng gói, kiểm tra và làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu; duy trì sự ổn định và từng bước nâng cao tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến và hoạt động xuất nhập khẩu. Giai đoạn tiếp theo 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống kho hàng hóa sẽ tiếp tục phát triển đáp ứng được 100% nhu cầu về quy mô; cung cấp trọn gói theo hướng tích hợp các dịch vụ logistics gắn với kho hàng hóa (trong tất cả các công đoạn của xuất nhập khẩu hàng hóa).

Chú trọng sản phẩm mang dấu ấn địa phương


Trong nhiều năm qua, TP. Hội An đã chú trọng thực hiện chính sách thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp nhưng luôn chọn lọc, ưu đãi các dự án sản xuất, gia công, chế biến sạch, thân thiện với môi trường. Đây là cơ sở quan trọng giúp ngành kinh tế công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của Hội An có bước phát triển ngày càng khởi sắc và bền vững.


5 năm gần đây, UBND TP Hội An đã đầu tư gần 2 tỷ đồng cho công tác khuyến công, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở nông thôn; phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn về quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, nâng cao kỹ năng thiết kế, chế tác các sản phẩm, mẫu mã sản phẩm lưu niệm… cho các hộ, các cơ sở sản xuất ở nông thôn.


Công tác đào tạo nghề cũng thường xuyên được chú trọng. Giai đoạn 2006 - 2015, Hội An đã đầu tư hơn 379 triệu đồng để hỗ trợ đào tạo các nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Qua đó, các địa phương và cơ sở sản xuất đã tổ chức được 25 lớp đào tạo và nâng cao tay nghề mộc, gốm, đèn lồng, tre - dừa nước, mây đan, tre mỹ nghệ, túi xách... cho hơn 320 lao động. Phần lớn các lao động sau đào tạo đã có việc làm. Đồng thời hoạt động này cũng đã góp phần xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm làm ra. Đến nay Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho các sản phẩm: Đèn lồng Hội An, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, tre - dừa Cẩm Thanh... Ngoài ra, thành phố cũng đã phối hợp với UNESCO hoàn thành dự án “Phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại di sản”, tổ chức bình chọn “sản phẩm thủ công nông thôn tiêu biểu”, xây dựng hoàn chỉnh phương án “Phục hồi phát triển các ngành nghề thủ công tại xã Tân Hiệp”, nghiên cứu hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương… Tính đến nay, UBND TP. Hội An đã đầu tư gần 24,2 tỷ đồng thực hiện bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Hà. Tổng diện tích CCN khoảng 30,3ha, đã được bố trí, sử dụng gần 94% với 13 doanh nghiệp đăng ký thuê đất và đi vào hoạt động. Trong đó có 7 doanh nghiệp, cơ sở di dời từ khu dân cư đã đi vào sản xuất kinh doanh ổn định. Riêng Cụm CN-TTCN Tân An có quy mô 6,6ha, đã có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động.


Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: 10 năm qua (tính đến cuối năm 2015), UBND TP. Hội An đã hỗ trợ hơn 228 triệu đồng cho các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghiệp vào sản xuất “sạch". Cụ thể: Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng 2 lò đốt gốm thủ công cải tiến, sửa chữa và xây dựng 5 lò đốt gốm thủ công truyền thống, hỗ trợ đầu tư máy gọt tinh sản phẩm gốm, máy nghiền đất sét giúp tăng năng suất lao động, hoàn thiện sản phẩm trước khi nung. Triển khai phương pháp xử lý nguyên liệu tre chống mối, mọt, mốc để nâng cao chất lượng sản phẩm đèn lồng và tre mỹ nghệ của một số cơ sở, khuyến cáo các cơ sở khác áp dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm  phục vụ du lịch, qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tạo thu nhập ổn định cho nhân dân. Các làng nghề truyền thống cũng đã từng bước phát huy hiệu quả, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.


Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất của Hội An hiện nay là ngành TTCN phát triển thiếu chiến lược, sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn đơn điệu về chủng loại, chưa rõ tính đặc trưng. Vì vậy, thời gian tới, Hội An định hướng phát triển CN-TTCN gắn với phục vụ du lịch, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ và đảm bảo chất lượng môi trường sinh thái. Ưu tiên phát triển đa dạng các ngành nghề TTCN, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, phục vụ phát triển du lịch, đẩy mạnh phát triển sản xuất các làng nghề truyền thống nhằm tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương.


Khánh Chi