Khuyến công quốc gia
Làng nghề thêu Quất Động thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), nằm ven quốc lộ 1A cũ, cách Hà Nội khoảng 23 km. Nghề thêu đã xuất hiện ở Quất Động từ giữa thế kỷ XV vào đời vua Lê Thánh Tông, trải qua hàng trăm năm trải qua nhiều thăng trầm, hưng thịnh nhưng người dân vẫn luôn luôn gắn bó với nghề truyền thống.

Ban đầu, làng Quất Động thêu chủ yếu phục vụ cung đình và các nhà quyền quý, đền chùa và phường tuồng. Khi đó, kỹ thuật thêu cũng đơn giản, dùng năm màu chỉ: vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Các loại hình thêu và kỹ thuật thêu lúc này còn thô sơ, chủ yếu là câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình chùa. Theo thời gian, nghề thêu càng phát triển và kỹ thuật thêu càng tinh tế, khéo léo hơn với thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêu kim tuyến. Các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa như thêu long phụng, uyên ương hồ điệp... đã được đông đảo các tầng lớp quí tộc vua quan ưa chuộng. Không những thế, những bức tranh thêu còn theo chân các lái buôn sang biên giới các nước láng giềng như Lào, Thái Lan… như một sứ giả của văn hóa Việt Nam tại đất bạn.
Ngày nay, người làng thêu Quất Động đã và đang kế thừa những tinh hoa của làng nghề truyền thống, các nghệ nhân của làng đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, tàn lọng, cờ, biển, trướng, các loại trang phục sân khấu cổ truyền thì các nghệ nhân còn thêu được những tác phẩm nghệ thuật, các bức thêu truyền thần và sáng tạo như: Chân dung Lê-nin trên diễn đàn, Nhà Bác Hồ ở Kim Liên, Chùa Một Cột, chân dung Bác Hồ… thể hiện đường kim, mũi chỉ điêu luyện, với những đường nét hội họa hiện đại đã để lại cho đời những tác phẩm chứa đựng tinh túy đất Việt, một vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế mà hiện đại. Tranh thêu của làng nghề Quất Động luôn mang một nét đặc trưng riêng, từng nét vẽ cho đến đường kim mũi chỉ đều toát lên một chất “nghề” mà các làng nghề thêu khác không thể nào có được. Vì vậy, dù có nhiều đổi thay, dù đã trải qua nhiều đời nhưng những bức tranh luôn chiếm được niềm tin và thu hút rất nhiều khách hàng gần xa.
Nguyên liệu nghề thêu rất đơn giản chỉ là sản phẩm cần được trang trí (vải, lụa, lanh…) và chỉ thêu. Phần lớn nguyên liệu được nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Kỹ thuật thêu tay truyền thống thì chỉ có 9 kỹ thuật cơ bản: Nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt (có sa hạt đơn và sa hạt kép), khoắn vảy (cũng có đơn và kép, kỹ thuật này được dùng trong thêu các vảy rồng, vảy cá...) và thêu chăng chặn. Thêu chăng chặn có hai động tác: chăng (căng sợi chỉ từ điểm A - B) và chặn: thêu chặn sợi chỉ đã căng thành từng điểm để tạo nên đường nét đặc biệt. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành người tạo mẫu, thợ chuyên môn bậc cao... cần có trình độ văn hóa cao hơn. Ngoài ra, người thợ thêu giỏi cần có những hiểu biết về hợp lí hoá lao động, về công nghệ thêu tiên tiến, về thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước, phải năng động, sáng tạo, biết liên doanh liên kết với các cơ sở sản xuất, công ty liên doanh khác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu dồi dào.
Qui trình thêu, nếu như ta mới nhìn thì nghe chừng có vẻ đơn giản và nhàn hạ, không vất vả như công việc trên ruộng đồng nhưng quả thật, công việc của một thợ thêu không hề dễ dàng một chút nào. Bên cạnh các phẩm chất: cần cù, nhẫn nại, khéo léo, họ cần phải có sự tinh tế, một đôi mắt tinh tường, thẩm mỹ cao. Để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, họ phải tiến hành rất nhiều công đoạn: xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, rồi mới tiến hành thêu, tỉa. Phải nói rằng, công phu nhất vẫn là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng... sao cho các sợi chỉ quyện vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc đài hoa, chiếc lá luôn đều đặn… Người thêu phải khéo léo làm cho những sợi chỉ hòa quyện, mịn màng như một thể thống nhất, không một lỗi chân chỉ hay trái canh. Đường chỉ càng điêu luyện, mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị cao, nghệ thuật thẩm mỹ càng đến độ tuyệt vời. Bên cạnh thêu tay ngày nay người thợ thủ công còn có hình thức thêu máy. Ưu điểm của thêu máy là có thể thêu những mẫu đơn lẻ, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khi chỉ cần một mẫu thêu trên một sản phẩm như: cờ, bảng tên học sinh, hoa văn trên áo… Nhưng dù thêu máy thì vẫn phải điều khiển bằng tay nên độ sắc sảo không cao và không thể thực hiện đơn đặt hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Ở công đoạn vẽ mẫu thêu trên vải cũng rất khó, vì vậy thợ thêu gần như phải đồng thời là thợ vẽ. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ Việt Nam đã đem đến cho bạn bè thế giới những hình ảnh sống động về thiên nhiên, con người qua những bức tranh thêu.
Làng nghề Quất Động từ nhiều năm nay đã được phong danh hiệu Làng nghề du lịch truyền thống. Điều hiếm gặp so với một số làng nghề truyền thống khác thì thêu Quất Động có gần 100% lao động vẫn đang bám đuổi, sống chết với nghề của cha ông. Tại thời điểm này, làng nghề Quất Động có 497 hộ làm nghề thêu, chiếm 1043 lao động trong tổng số lao động toàn xã, với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/năm. Từ qui mô hộ gia đình, giờ đây Quất Động có tới hàng trăm cơ sở tư nhân, quy mô từ vài chục đến hàng trăm "cây kim". Ngoài nghề thêu tay, làng Quất Động vẫn còn giữ cả nghề thêu ren. Tranh thêu của Quất Động đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới như: Liên minh châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… Tuy nhiên, với ngày công từ 20.000 – 30.000 đồng/người/ngày như hiện nay, nếu không được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thì nghề sẽ bị mai một dần. Có những bức thêu phải đầu tư mất vài ba chục, thậm chí hàng trăm ngày công, thế nhưng cuối cùng cũng chỉ bán được 500.000 – 1.000.000 đồng.
 

Lê Hằng